PREAMPLI

KẾT CẤU CỦA PREAMPLI
Preampli chủ động (active preampli): có mạch khuếch đại tín hiệu sử dụng các linh kiện tích cực như đèn, transistor, IC… để tăng biên độ tín hiệu và sửa âm sắc trước khi đưa đến ampli công suất. Với loại preampli này, tùy theo linh kiện tích cực mà thường được phân thành loại chạy đèn điện tử, bán dẫn hoặc mạch lai (vừa bán dẫn và đèn điện tử). Trên thị trường, preampli tuyệt đại đa số là loại chủ động.
Preampli thụ động (passive preampli): mạch điện chỉ sử dụng một chiết áp cao cấp hoặc một bộ biến thế âm tần dải rộng. Trong trường hợp dùng chiết áp, mạch hoàn toàn không có khuếch đại, nên còn được gọi là bộ suy giảm (attennuator). Trong trường hợp dùng biến áp, mạch có thể khuếch đại tín hiệu (tăng điện áp so với nguồn vào). Preampli thụ động chỉ thích hợp cho ampli bán dẫn. Ưu điểm của preampli thụ động là không cần phải cắm điện nguồn và mạch rất đơn giản, do đó rất ít tạp âm.
Dù là loại preampli nào đi nữa thì cũng có ít nhất một vài đường vào (input) cho phép người dùng có thể chuyển đổi. Cũng cần xem xét preampli có đủ các đường tín hiệu vào và ra theo nhu cầu của bạn hay không.
Bạn cũng cần phân biệt giữa 2 loại preampli, loại line-level chỉ có các lối vào với mức tín hiệu cao. Loại line-level chỉ phù hợp khi bạn dùng đầu đĩa CD, DVD, tuner, cassette… vì những thiết bị này được thiết kế điện áp đầu ra khá cao (khoảng 0,5 – 2V). Line-level peampli không có phần khuếch đại và hiệu chỉnh đáp tuyến tần số cho đường phono do đó không chạy được đĩa than. Muốn nghe đĩa than, bạn cần mua thêm một cục phono-box hoặc tìm một preampli có đường vào cho đĩa than, còn được gọi là full-function preampli. Ngày nay, bên cạnh 2 loại preampli analog nói trên, trên thị trường còn có bán loại preampli kỹ thuật số, có cả đường vào analog và digital. Prempli số- digital thu nhận tín hiệu số, chuyển đổi thành tín hiệu analog thông qua một bộ giải mã DAC bên trong, đồng thời có loại chỉ thu nhận tín hiệu đầu vào digital mà thôi.
Xét trên góc độ các đường cắm tín hiệu đầu vào, thường có 2 loại đầu vào analog là đầu vào đơn (còn gọi là RCA hoặc Single-end, dùng jack bông sen) và đầu vào balance dùng loại jack cắm 3 chân đặc biệt gọi là XLR hoặc Neutrick.
Đường vào RCA hay unbalanced truyền dẫn tín hiệu âm thanh theo hai dây dẫn, một chân dương ( trong lõi) và một chân âm; chân âm đồng thời cũng là phần tiếp đất (ground).
Mạch balance sử dụng hai đường tín hiệu, một dương (+) một âm (-) và một đường thứ 3 tiếp đất (ground). Nhờ kết cấu đối xứng đặc biệt, truyền dẫn balance có thể hạn chế được EMI (nhiễu tĩnh điện), RFI (nhiễu cao tần) hay tiếng ù nền…phát sinh giữa các thiết bị kết nối.
Chỉ có preampli có lối vào balance mới có khả năng nhận tín hiệu balance. Một số ampli cũng không có lối vào balance, do vậy một số preampli được thiết kế chuyển đổi tín hiệu đầu ra ở dạng unbalance trước khi truyền tới ampli. Một số preampli khác lại có lối vào và lối ra vừa là balance vừa là unbalance. Ngày nay trên thị trường đã có bán nhiều loại preampli đa kênh (multichannel), song loại stereo hai kênh vẫn còn rất thông dụng.
Một vài kiểu preampli khác còn có phần khuếch đại dành cho tai nghe (head-phone), hoặc có tune liền. Hiện nay, để tăng thêm tiện ích, nhiều preampli còn có điều khiển từ xa. Một vấn đề được nhiều bạn quan tâm là preampli có cần phần chỉnh âm sắc (tone control) hay không. Xu hướng ngày nay “dân chơi sành điệu” không thích có phần chỉnh âm sắc vì như vậy preampli sẽ phải có thêm các bo mạch, tín hiệu sẽ phải đi qua nhiều linh kiện hơn, và điều này sẽ làm giảm đi sự trung thực của âm thanh. Một số người lại muốn có phần này vì họ muốn điều chỉnh âm sắc theo gu nghe của mình. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những preampli Hi-End đắt tiền thường rất đơn giản và hạn chế tối đa các chức năng phụ để giữ sự tự nhiên, trung thực cho âm thanh.