DÂY TÍN HIỆU RCA

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SỐ LIỆU ĐO LƯỜNG VÀ THỰC TẾ

Đối với những bộ ampli, chúng ta đã nhận thấy có một cuộc chạy đua trong việc khắc phục độ méo tiếng. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, độ méo hài tổng của một ampli đến khoảng 0,2% thì được coi là không đáng kể. Thế nhưng 20 năm sau, các nhà thiết kế đã cải thiện tình hình tốt lên gấp 100 lần, trong các ampli bán dẫn với độ méo lúc này chỉ 0,002% hoặc nhỏ hơn, thậm chí còn vượt qua cả những giới hạn mà máy đo kiểm cho phép.

Tuy nhiên, nghịch lý về mặt công nghệ vẫn tồn tại và biểu hiện ở sự khác biệt đáng kể giữa các thông số đo được bằng máy móc và cảm nhận về âm nhạc của người nghe trực tiếp. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hiện tượng hoàn toàn có thể cảm nhận khi nghe, như những âm thanh khó chịu, những cảm giác về “âm thanh bẹt”,“đục”, “méo”, “chói” hay “nổi”… mà không thể nhận biết những hiện tượng đó bằng cách đo thông thường. Ngay cả khi nghe một ampli có độ méo tiếng 0,002% cũng không chắc đã cho chất lượng âm thanh tốt hơn là một chiếc ampli có độ méo cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra một mối liên hệ giữa “chất âm hay” và”thông số đo đạc”để đưa ra một lý thuyết có thể giải thích được nghịch lý nói trên. Thế nhưng cho tới nay, giữa các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Những giả thiết của người này lại bị người khác phản bác lại.

Hiện tượng quan tâm đến cáp loa và cáp tín hiệu cũng ra đời trong bối cảnh như vậy. Ban đầu sự tò mò tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của dây tín hiệu đến âm thanh chỉ đơn thuần là của mấy “tay rỗi việc”, suốt ngày quanh quẩn cắm cắm, nối nối, thay đổi dây này dây kia để “nghe thử xem sao…?”. Vì thế, đầu những năm 70, mới chỉ có khoảng vài ba hãng sản xuất dây với mẫu mã khá nghèo nàn. Tuy nhiên, dân chơi âm thanh đã mau chóng nhận thấy tầm quan trọng của cáp nối và các nhà sản xuất đã nhanh chóng hiểu ra rằng đã đến lúc họ chú trọng sản xuất các loại cáp tín hiệu. Chúng không chỉ đơn giản là những phụ kiện mà là một bộ phận hoàn chỉnh.  Cần phải nhắc lại thêm rằng những năm 60-70 là thời gian người ta cố gắng thiết lập một tiêu chuẩn chung cho việc sản xuất các loại dây tín hiệu, các kiểu đầu kết nối để liên kết các nguồn âm với các bộ tiền khuếch đại và ampli.

ĐẦU GIẮC BÔNG SEN RCA (HAY CINCH)

Nếu giắc cắm 6,35 mm (còn gọi là giắc cắm 6 ly) ra đời từ những năm 30 thì đầu giắc RCA dành cho dây tín hiệu chỉ xuất hiện vào những năm 60. Đầu nối RCA ban đầu được sử dụng không phải để cho những thiết bị âm thanh mà dành cho những đường dẫn với tần số cao. Tại Mỹ, Shure là một trong những công ty đầu tiên sử dụng đầu nối RCA trong ampli hay trên những đầu quay đĩa than. Sau này, Shure kết hợp với SME phân phối đầu đọc sang tận Anh, đất nước vốn trung thành với chuẩn DIN (giắc nhiều chân tăm). Trên thực tế, đầu nối kiểu RCA gọn nhẹ hơn và được dùng rất phổ biến trong các loại ampli như Mc Intosh, Marantz, Scott hoặc Sherwood… Sau này Cinch phân phối giắc RCA tại châu Âu khá nhiều, nên loại giắc này còn được biết đến với cái tên Cinch. Chẳng bao lâu, RCA đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường Anh, Đức, Pháp… và được các hãng audio của Nhật phát triển, như Trio, Pioneer, Technics, Sansui, Sony, Luxman… Từ đó, đầu nối RCA đã trở thành chuẩn áp dụng trên hầu hết những thiết bị nghe nhìn từ cấp thấp đến cấp cao.

ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIẮC RCA

Nhược điểm lớn nhất và cũng dễ nhận thấy nhất của giắc RCA là sự “nguy hiểm”. Cực nóng (dẫn tín hiệu) lồi ra phía trước vỏ masse trong khi lẽ ra phải đặt ngược lại. Việc rút ra cắm vào hay tiếp xúc với đầu giắc rất nguy hiểm, có thể gây bỏng hoặc giật. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã tìm ra một số giải pháp nhằm cải thiện loại đầu giắc này. Một vài loại máy móc đã được bổ sung những thiết bị có chức năng ngắt tín hiệu khi đầu giắc được rút ra. Công ty Neutrik (Thụy Sĩ) đã thiết kế một đầu giắc mà phần vỏ masse được đẩy lồi ra nhờ một chiếc lò xo được giấu kín trong giắc. Việc này giúp hạn chế những rủi ro phá hỏng loa. Nhược điểm khác của đầu giắc RCA rẻ tiền là cọc dẫn tín hiệu của giắc dương (nối với dây dẫn) thường không xẻ nên khó tiếp xúc tốt với lòng ống của đầu âm gắn trên vỏ máy. Hoặc, phần tiếp masse không khít với phần masse của giắc âm.

Trên thực tế, sự không chính xác về kích thước của giắc dương và giắc âm sẽ dẫn đến hai khả năng: quá chặt hoặc quá lỏng. Chính sự qua chặt hoặc quá lỏng này là nguyên nhân gây ra tiếp xúc xấu, âm thanh “rột rẹt” hoặc mỗi khi nhổ ra cắm vào rất khó khăn. Để khắc phục nhược điểm trên, công ty WBT của Đức đã sáng chế ra cái vỏ vặn bên ngoài phần nối masse của đầu giắc. Khi cắm giắc vào, bạn vặn thêm vài vòng, đầu giắc sẽ được giữ rất chặt. Khi cần tháo ra, lại xoay ngược lại và rút ra dễ dàng.

HIỆN TƯỢNG KIM LOẠI BỊ ĂN MÒN DO TÁC DỤNG ĐIỆN PHÂN

Hai kim loại khác nhau, bị ô-xy hóa bề mặt trong môi trường không khí có độ ẩm, và khi tiếp xúc với nhau sẽ tạo ra một sự phân cực có tên gọi là sự điện phân của kim loại. Vì có tính điện phân, một trong hai kim loại sẽ bị ăn mòn. Sau hiện tượng này, điện trở tại chỗ tiếp xúc sẽ tăng nhiều hoặc ít. Điện trở này còn thay đổi tùy theo cường độ của dòng điện, theo hướng của dòng điện, hoặc theo tần số tín hiệu. Chính vì vậy, đối với các đầu giắc RCA, để có được những khả năng truyền tín hiệu ổn định trong môi trường ẩm, về mặt lý thyết cần phải sử dụng cùng một kim loại cho cả đầu dương và âm của giắc.

Trong sợi dây tín hiệu và đầu giắc trên vỏ máy, các tín hiệu âm thanh truyền qua rất nhiều lớp kim loại: hợp kim chì/thiếc để hàn, đồng, thiếc, bạc, rô-đi, vàng và các loại hợp kim khác nhau…ngay cả khi máy không hoạt động hoặc không liên kết với hệ thống người ta cũng có thể phát hiện ra  nhiều điểm tiếp xúc có xảy ra hiện tượng điện áp điện phân, gây ra tăng điện trở tiếp xúc, ảnh hưởng đến âm chất. Chính vì thế việc giữ các đầu nối và điểm tiếp xúc luôn khô ráo, sạch sẽ là việc nên chú ý. Bạn cũng cần tránh để tay có mồ hôi chạm vào đầu giắc, vì chất muối trong mồ hôi có thể là tác nhân gây tăng hiện tượng điện phân.

VÀNG

Vàng là một loại kim loại quý nhất nhưng lại không phải là chất dẫn điện tốt nhất. Điện trở suất của vàng là 0,022 ohm trong khi đó của bạc là 0,0165 ohm. Chất dẫn điện phổ biến nhất là đồng, có điện trở suất 0,017 ohm, nhôm không oxy hóa là 0,027 ohm. Bù lại vàng có khả năng tiếp xúc rất tốt với bề mặt nhờ vào đặc tính dẻo và không bị oxy hóa của nó. Mặc dù có nhiều đầu giắc RCA được mạ vàng nhưng không bao giờ người ta sử dụng vàng 24 ca-ra. Nhiều đầu giắc rẻ tiền sử dụng hợp kim có màu gần giống như vàng…mà lại không có những đặc tính của kim loại vàng. Hơn nữa, còn có nhiều kỹ thuật mạ khác nhau, trong số đó kỹ thuật mạ trong chân không đem lại hiệu quả tốt nhất, kỹ nghệ này chỉ áp dụng cho các giắc RCA loại đắt tiền. Trong nhiều trường hợp, để hạ giá, người ta chấp nhận phương pháp mạ điện phân hóa học.

ĐẦU GIẮC RCA CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN ÂM THANH?

Chất lượng của một sợi dây tín hiệu phụ thuộc vào kết cấu, chất liệu của sợi dây và chính đầu giắc RCA. Để có thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của dây tín hiệu đối với chất lượng âm thanh cũng như ảnh hưởng của đầu cắm RCA, chúng ta phải tháo các dây cáp và sau đó lắp lại trong khi vẫn sử dụng một loại đầu cắm và cùng một loại thiếc hàn. Tất nhiên, ở mức độ người chơi âm thanh thuần túy, bạn sẽ ít có điều kiện thay thử dây mà vẫn giữ nguyên đâu RCA. Theo thực tế của một số phòng thí nghiệm, người ta thấy rằng sự khác biệt giữa các loại đầu cắm tác động đến chất lượng âm thanh cũng đáng kể, tuy không nhiều bằng sự khác biệt giữa các loại dây tín hiệu.

CÔNG NGHỆ DÂY TÍN HIỆU

Hiện nay, các loại dây tín hiệu rất đa dạng về kiểu dáng, cấu tạo cũng như chất lượng chế tạo. Có thể đơn cử một số đặc điểm của dây tin hiệu như sau:

Loại sử dụng một (hay nhiều) kim loại.Ví dụ: dây đồng hoặc kết hợp đồng và bạc

Độ thuần khiết của kim loại được sử dụng.Ví dụ: đồng nguyên chất 99,9999%

Cấu trúc của chất liệu làm dây. Ví dụ: đồng OCC, OFC, bạc, carbon…

Chất liệu điện môi được sử dụng làm cách điện. Ví dụ: teflon, polypropylene…

Cấu trúc không đối xứng hoặc đối xứng của đường dẫn

Số lượng và cách bện các sợi. Ví dụ: dây đơn sợi hay rất nhiều sợi nhỏ. Các sợi dẫn có cách điện hay không cách điện với nhau.

Có bọc kim (blinde) hay không

Có tính đến hướng đi của tín hiệu hay không

Có hay không những mạch bổ sung hoặc hiệu chỉnh. Ví dụ: dùng thêm pin để phân cực

Cấu trúc dây tròn hay dẹt, dây xoắn hay không xoắn…

VAI TRÒ CỦA DÂY TÍN HIỆU

Người sử dụng đã tự nhận ra vai trò này. Một số người coi dây tín hiệu là không quan trọng, miễn là việc đấu nối phải tôn trọng những nguyên tắc chinh: đảm bảo tiếp xúc điện tốt, điện trở suất thấp và hạn chế tối đa nhiễu tạp…ngược lại, những người khác lại rất đề cao ảnh hưởng của dây tín hiệu đối với chất lượng âm thanh, đối với các tham số chủ quan khác nhau: cảm nhận về độ trong trẻo, không méo tiếng, cân bằng dải tần, khả năng mở hai đầu của dải tần, cảm nhận về độ sâu của âm thanh, sự chắc chắn của âm trầm, sự thanh mảnh và tinh tế của âm cao…một vài người lại tìm ra mối liên hệ giữa “chất âm” với một số kim loại và cấu trúc sợi dây từ những cảm nhận chủ quan, chẳng hạn như dây bạc sẽ làm rõ âm trung và treble; đồng sẽ cho âm thanh ấm hơn; dây cáp cứng và cấu trúc đơn sợi sẽ có xu hướng âm thanh cứng và thiên về âm trầm một cách rõ ràng(?). Tất nhiên, đó chỉ là những cảm giác chủ quan với một số loại dây rẻ tiền. Tốt hơn cả là hãy thử với nhiều loại cáp khác nhau trước khi quyết định mua, dù rằng điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được.

“RỐT-ĐA” VÀ SỰ CŨ ĐI CỦA DÂY CÁP

Nhiều người cho rằng dây mới mua về thường có âm thanh cứng hơn so với dây đã dùng một thời gian. Do đó, dây cũng cần được “chạy rốt-đa”. Về vấn đề này, hiện còn nhiều quan điểm trái ngược, một vài nhà sản xuất khi bán dây vẫn khuyến cáo người dùng cần rốt-đa trong khoảng mấy chục đến hàng trăm giờ thì âm thanh mới ổn định và hay nhất. Tuy nhiên, cần có một thử nghiệm nghiêm túc trong việc so sánh mới có thể rút ra được kết luận chính xác.

Theo thời gian, các dây dẫn và chất điện môi vỏ dây sớm hay muộn sẽ bị cũ đi. Hiện tượng ô-xy hóa sẽ gây rỉ bề mặt dây dẫn. Vỏ dây có thể bị cứng do lão hóa. Các hóa chất làm vỏ bọc thoát ra làm đẩy nhanh sự ăn mòn dây dẫn. Dây cũng có sự thay đổi cấu trúc tinh thể kim loại do có sức kéo cơ học…

CHIỀU DÀI DÂY TÍN HỆU RCA

Trong phần lớn các trường hợp, giữa các thiết bị trong bộ dàn nối với nhau chỉ cần có đoạn cáp dài từ 0,5 cho tới 1,5m nên việc dùng dây tín hiệu với đầu cắm RCA là thích hợp. Đối với những khoảng cách lơn hơn (10-20m chẳng hạn), bạn chọn loại dây có dung kháng thấp để tránh dao động kích nên chọn preampli có trở kháng ra thấp. Nhưng tốt nhất, nên sử dụng kiểu kết nối cân bằng (balance).

BẢO DƯỠNG DÂY VÀ GIẮC RCA

Để âm thanh luôn hoàn hảo, bạn nên chú ý “chăm sóc” cho dây. Có thể lau chùi vỏ dây bằng một chiêc khăn mềm, hơi ẩm. Tránh các dung dịch có chất ăn mòn kim loại. Nhất thiết phải tránh các sản phẩm tẩy rửa có chứa các chất dung môi bôi trơn kèm dầu dẫn điện nhẹ. Bởi vì, các chất điện môi có thể hấp thụ dầu và biến những chất điện môi tốt trở thành dẫn điện. Để lau chùi các đầu giắc RCA, ta có thể sử dụng một tấm vải mềm tẩm một chút cồn. Cần phải lau một cách thận trọng, sao cho không làm nới rộng đường kính trong lòng của giắc âm RCA.