THIẾT KẾ LOA NGHỆ THUẬT HAY KHOA HỌC?
Có đến hàng trăm thiết kế loa khác nhau trên thế giới, nhưng tất cả chỉ chung một mục đích duy nhất là làm thế nào để tạo được âm thanh với chất lượng tốt nhất. Liệu thiết kế nào là chuẩn nhất, nguyên lý nào hoạt động chính xác nhất?
Nhưng nếu có, chẳng lẽ các thiêt kế còn lại là sai. Câu hỏi chính được đặt ra là: một thiết kế loa có bao nhiêu phần trăm ảnh hưởng về mặt mỹ thuật của chính”designer” hay nó được tạo nên hoàn toàn dựa trên lý thuyết khoa học? Thiết kế loa nghệ thuật hay khoa học?
Để trả lời cho câu hỏi trên, không gì hay bằng việc tham khảo ý kiến của những nhà thiết kế loa bậc thầy, đại diện cho những hãng sản xuất nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Những người thật sự đam mê âm thanh, luôn làm tất cả những gì mình có thể để ngày càng hòan thiện những kiến thức về việc chế tạo loa hi-end. Tuy nhiên, ngay với những chuyên gia hàng đầu, triết lý thiết kế và kỹ thuật chế tạo cũng thật khác biệt và đôi khi lại mâu thuẫn nhau. Điều đó càng chứng tỏ sự kỳ diệu của âm thanh: không thể cân, đo, đong, đếm theo bất cứ một chuẩn mực chung nào mà tất cả đều trông cậy vào đôi tai của chính mình. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về phong cách cũng như nhận định của các nhà thiết kế sau: Kevin Voecks, giám đốc kỹ thuật của Haman Specailty Group, một bộ phận của tập đoàn Harman International Industries, đồng thời là chuyên gia thiết kế cho mác loa Revel. Kevin Voecks đại diện cho trường phái thiết kế loa truyền thống đơn cực (monopole speaker); nhà sáng lập nổi tiếng của Đức, Wolfgang Meletzky với kỹ thuật thiết kế loa con đặc biệt, Radialstranhler, đại diện cho phong cách thiết kế loa đa hướng (omnidirectional); không thể bỏ qua thiết kế loa còi, ta có Mathias Ruff của Avantgarde và sau cùng là Mark Winey của hãng Magnepan với thiết kế loa mành nam châm phẳng (planar-magnetic driver).
Các chuyên gia sẽ nói về thiết kế hiện tại của họ và vì sao họ chọn thiết kế đó. Việc một thiết kế loa được quyết định như thế nào giữa hai yếu tố là nghệ thuật và khoa học.
KEVIN VOECKS – NHÀ THIẾT KẾ CHÍNH CỦA REVEL
Độc giả quen thuộc của tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam chắc không còn xa lạ với cái tên Kevin Voecks, cha đẻ của thiết kế loa Revel, qua các bài review loa Revel F32 và Revel Salon, Kevin trung thành với thiết kế loa đơn cực (monopole) truyền thống cho dải âm phát tán rộng theo hướng ngang và dùng phân tần có tốc độ cao. Thiên hướng âm thanh của ông là thiết kế loa không những cho âm nhạc trực tiếp, chi tiết, mượt mà ở không gian gần mà đối với độ mở của không gian trình diễn phải đạt độ trung thực cao. Với phương pháp test mù “double-blind listening test” (đây là phương pháp test so sánh đôi giữa hai thiết bị loa, ampli, đầu đọc, dây dẫn v.v… người nghe sẽ lần lượt nghe từng thiết bị một, thông thường các thiết bị sẽ được “giấu”sau một tấm màn mỏng sậm màu, do đó sẽ tránh được những định kiến chủ quan dẫn đến đánh giá âm thanh không chính xác), Kevin cho rằng âm sắc “timbre” là một trong những yếu tố quyết định sự trình diễn để có thể biết được loa nào “hát” hay hơn loa nào. Các thiết kế loa của ông đều dựa vào những kết quả nghiên cứu về âm học và vật lý học, vì vật lý là “luật” chứ không phải đề nghị chỉ để tham khảo. Nghiên cứu về âm học và những buổi test mù đã giúp cho Kevin có thể đạt được chất lượng âm thanh ngày càng tốt hơn, đồng thời phát triển những cách thức đo đạc để có thể tìm ra những thông số quan trọng hữu ích cho việc chế tạo loa.
Kevin không cho rằng sự khác biệt về thể loại nhạc của người nghe có ảnh hưởng đến sự đánh giá chất lượng của một đôi loa. Với những buổi test mù, ông đã chứng minh rằng người nghe có bất kì “gu” nhạc nào cũng vẫn có thể chọn đúng những đôi loa hay nhất với cùng chung những nhận định về âm thanh. Hầu hết những người tham gia test đều quan tâm đến những vấn đề về âm sắc của loa cũng như tường âm mà loa tái tạo.
Với những ý kiến cho rằng, sự lựa chọn loa của người nghe chủ yếu dựa vào kích thước phòng nghe của họ, ông khẳng định điều này hoàn toàn hợp lý, vì âm thanh đến tai chúng ta không chỉ gồm âm trực tiếp mà còn bao gồm âm gián tiếp. Chính kích thước phòng nghe và các điều kiện thẩm âm của phòng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trình diễn của loa. Cho nên, ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn loa là âm sắc phải tốt (trung thực) ở toàn bộ trường âm (từ hẹp đến rộng) chứng tỏ âm sắc loa ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện phòng nghe. Ngày nay, theo Kevin người ta còn quan tâm đến một đôi loa có thể trình diến tốt đối với nguồn đa kênh hay không.
Kevin cho rằng nghệ thuật thuộc về những họa sĩ những ca nhạc sĩ, những gì mang tính trừu tượng. Việc thiết kế loa hoàn toàn phụ thuộc vào khoa học, đó là hiện thực với những thông số đo đạc và hàng trăm, hàng ngàn lần test để tìm ra những kết quả tốt nhất có thể.
WOLFGANG MELETZKY – NHÀ THIẾT KẾ VÀ SÁNG LẬP MBL
Wolfgang thành lập hãng loa MBL cách đây 25 năm tại Berlin, Đức. Ý tưởng thiết kế loa đa hướng của ông bắt nguồn từ một yêu cầu rất đơn giản làm thế nào để nhiều người có thể cùng nghe được những âm thanh chi tiết, trung thực như nhau trong cùng một căn phòng bình thường thay vì chỉ có một cho đến hai người chiếm giữ vị trí “điểm ngọt” và “giành” hết những âm thanh tốt nhất. Ông đã thiết kế thành công một kiểu loa con đặc trưng của MBL có tên Radialstrahler, và ngày nay vẫn tiếp tục nghiên cứu , nâng cấp và hoàn thiện hơn với những ý tưởng và vật liệu mới. Nhưng điểm cơ bản là tái tạo năng lượng đồng đều (tuyến tính) tại mọi điểm trong trường âm. Đó là điểm khác biệt giữa thiết kế loa đa hướng của MBL với các thiết kế loa thông thường khác. Loa MBL thể hiện những âm thanh giàu nhạc tính, chi tiết tại “điểm ngọt” là điều đương nhiên nhưng ở ngoài “điểm ngọt” bạn vẫn có thể thưởng thức âm thanh với một sự trình diễn tự nhiên và trung thực.
Theo Wolfgang, mỗi nhà thiết kế đều mang theo cái tôi của mình vào các thiết kế loa. Rất ít nhà sản xuất hi-end “lắng nghe” sở thích của thị trường mà họ thường hướng người nghe đến chất âm, đến thiết kế của riêng mình. Điều này lý giải tại sao trên thị trường vẫn tồn tại song song nhiều thiết kế loa rất khác nhau. Ông cho rằng một số thiết kế hiện nay chú trọng khá nhiều về tính chi tiết, trung thực của loa, do đó khiến cho người nghe có cảm giác nặng nề mất đi tính tự nhiên vốn có của âm thanh. Thưởng thức âm thanh là một cách tự nhiên với một người bạn, thậm chí dưới ánh đèn ấm áp với gia đình cùng một lúc champagne là những gì mà Wolfgang và MBL muốn hướng người nghe đến. Việc đo đạc các thông số đối với ông rất quan trọng. Ông khẳng định, dựa vào thông số, chúng ta mới biết được chúng ta đang làm gì và có kết quả gì mới so với trước. Chúng ta đang cố gắng tìm hiểu và hoàn thiện hơn mối liên hệ giữa những âm thanh thực tế nghe và những thông số đo được.
Về thiết kế loa, Wolfgang cho rằng một chiếc loa có 90-95% là khoa học và 5-10% là nghệ thuật. Ông tin đó là công thức của những thiêt kế loa hay nhất hiện nay.
MATHIAS RUFF – CHUYÊN GIA THIẾT KẾ LOA ĐẾN TỪ AVANTGARDE ACOUSTIC
Từ năm 28 tuổi, Mathias bắt đầu tự chế tạo những mẫu loa với thiết kế thông thường nhưng đặc biệt dùng treble ruy-băng. Sau đó, anh chàng thanh niên này tiếp tục mày mò lắp ráp những chiếc ampli và thiết kế loa dạng còi đến với ông cũng hết sức tình cờ. Vì công suất của ampli mà ông chế tạo không đủ mạnh để đánh những đôi loa đầu tiên của ông, nên cách giải quyết duy nhất là chuyển sang chế tạo loa còi có độ nhạy cao. Điểm hạn chế duy nhất của loa còi là kích thước quá khổ của nó. Kể từ đó, đối với Mathias chỉ có loa còi mới có thể thỏa mãn được độ động và tính linh hoạt của âm thanh. Đây hoàn toàn là sở thích của cá nhân ông chứ không phải xuất phát từ một cơ sở khoa học nào. Ông đã thử âm thanh của nhiều thiết kế khác nhau, kể cả loa tĩnh điện, nhưng vẫn chỉ có loa còi mới cho ông sự cảm nhận âm thanh một cách chính xác và tự nhiên nhất.
Người nghe cảm thụ âm thanh như thế nào, họ nghe thể loại nhạc gì, sở thích âm thanh của họ như thế nào, đó là những yếu tố mà Mathias cho rằng đã ảnh hưởng đến việc chọn mua loa. Ông biết rằng hầu hết mọi nhà thiết kế, những chuyên gia đánh giá âm thanh đều sử dụng những thông số đo đạc nhưng theo ông những thông số đó chỉ có ý nghĩa ở một cường độ âm thanh hay một dải tần số nhất định mà nó luôn thay đổi. Cả hai nhận định về tiêu chí chọn mua loa của người nghe và về các thông số đo đạc âm thanh của Mathias đều có phần trái ngược với Kevin Voecks.
Mathias cho rằng một thiết kế loa đơn thuần không có chút gì dính dáng đến nghệ thuật. Tuy nhiên để một đôi loa hay nếu muốn “tồn tại”trong căn phòng của bạn, vẫn phải cần từ 5-10% nghệ thuật.
MARK WINEY – CON TRAI JAMES WINEY, NHÀ SÁNG LẬP HÃNG LOA MAGNEPAN
Câu chuyện dẫn đến thiết kế loa mành nam châm phẳng Magnepan cũng tương tự như của Mathias. Cách đây 40 năm, James Winey luôn xem loa mành là một trong những thiết kế ưa thích nhất. Đôi loa mành tĩnh điện của ông thời bấy giờ là đôi KLH-9s. Tuy nhiên, để hoàn toàn mang chất analog ông đã chế tạo được loa mành sử dụng ruy-băng nhôm mỏng “chạy” bởi những thanh nam châm đứng. Khi đó Mark Winey chỉ là một đứa trẻ, chứng kiến tất cả những công việc nghiên cứu của cha mình được thực hiện ngay tại tầng hầm. Ngày nay, chính Mark Winey là người đã hoàn hoàn thiện những thiết kế của Magnepan dựa trên những gì mà cha ông đã phát minh. Đối với ông, thiết kế loa luôn phải dựa trên một lý thuyết gần như bất di bất dịch là khối lượng màng loa càng nhỏ thì độ động càng cao. Với thiết kế loa mành nam châm Magnepan, màng loa có thể gọi là siêu mỏng và nhẹ, đặc biệt là ruy-băng của loa treble chỉ mỏng bằng 1/10 độ dày của tóc người. Mark dường như rất đồng tình với ý của Kevin Voecks, sở thích âm nhạc của người nghe hoàn toàn không ảnh hưởng đến thiết kế loa mà họ lựa chọn. Với ông, chưa một thiết kế loa nào thật sự có được âm thanh lý tưởng, cho nên hàng năm vẫn có hàng loạt model được nâng cấp. Mọi nỗ lực của những nhà thiết kế loa hiện nay là làm sao khắc phục được những thiếu sót để có được một thiết kế chuẩn hoàn hảo, đó vẫn là một điều khá xa vời. Những thông số đo đạc âm thanh đối với Mark là hết sức quan trọng. Ông mô tả công việc nghiên cứu của ông rất đơn giản: tìm những gì có thể thay đổi, nâng cấp, sau đó áp dụng vào những mẫu concept, đo đạc, ngồi lại và lắng nghe kết quả rồi lại tiếp tục quá trình trên.
Ông chắc rằng tất cả những nhà thiết kế loa hiện nay đều xuất thân từ những kỹ sư nghiên cứu trong lĩnh vực âm thanh chứ không phải là những nghệ sĩ, nên thiết kế loa chỉ thuần túy là công việc của khoa học. Thiết kế loa rất phong phú, đa dạng và đúng như nhận xét của Mark Winey là chưa có một thiết kế nào hoàn hảo, mỗi thiết kế đều có điểm mạnh và những hạn chế của nó. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà thiết kế về sự lựa chọn của audiophile cũng như tầm quan trọng của thông số đo đạc âm học, nhưng cuối cùng, từ ý kiến của các chuyên gia nói trên, chúng ta có thể rút ra một công thức cho một thiết kế loa nói chung, đó là 90% khoa học và 10% nghệ thuật.