ĐẦU ĐỌC CD, SACD VÀ DVD-A

ĐẦU ĐỌC CD, SACD VÀ DVD-A

ĐẦU ĐỌC CD TRUYỀN THỐNG

Hiện nay, đầu đĩa CD là thiết bị nguồn tín hiệu có chất lượng cao và sử dụng phổ thông trong các dàn âm thanh. Nguyên lý đĩa CD do Philips hợp tác với Sony đề xướng và phát triển lần đầu tiên vào năm 1972. Ghi âm trên đĩa CD là một bước tiến rất quan trọng của công nghệ tái tạo âm thanh. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, CD đã hứa hẹn một triển vọng hết sức to lớn trên cả phương diện kỹ thuật và thương mại.

Đĩa CD có cấu tạo gồm một lớp màng kim loại phản quang được kẹp giữa hai lớp nhựa plastic trong suốt dùng để bảo vệ. Tuyệt đại bộ phận đĩa CD bán trên thị trường sử dụng bề mặt bằng nhôm bốc hơi trong chân không. Một số rất ít CD có chất lương cao sử dụng lớp phản quang bằng vàng (thường được quảng cáo là vàng 24k). Chất lượng âm thanh của đĩa vàng có tốt hơn đĩa thường, độ bền cao hơn và giá bán thường đắt gấp rưỡi đến gấp đôi so với CD thường.

Trên thị trường hiện nay, đầu đọc CD là loại thiết bị nguồn âm đa dạng, phong phú nhất về chủng loại, từ những đầu rẻ tiền khoảng trên dưới 100USD cho đến những đầu cao cấp có giá trị vài chục ngàn USD và tiêu chuẩn chất lượng cũng có sự khác biệt nhau rất lớn.

Về mặt kỹ thuật, những đầu CD rẻ tiền thường được thiết kế đơn giản , trọng lượng nhẹ, sử dụng những linh kiện phổ thông nên chất lượng âm thanh cũng ở mức trung bình. Những đầu loại tốt thường thiết kế khối nguồn có 2 biến thế (một cho analog, một cho digital), trọng lượng máy thường khá nặng để tránh rung động khi vận hành, các linh kiện sử dụng là loại cao cấp để đảm bảo âm thanh trung thực. Một số bộ đầu CD còn được thiết kế tách rời 2 phần là phần cơ (CD transport) và giải mã D/A riêng biệt. kiểu thiết kế này đảm bảo hoạt động độc lập và hạn chế đến mức thấp nhất sự xuyên nhiễu giữa phần digital và phần analog do đó thường đạt chất lượng âm thanh rất tốt. Một số hãng chế tạo đầu CD còn đưa một vài bóng đèn điện tử vào mạch khuếch đại analog cuối cùng trước khi ra lối  line- out. Việc đưa đèn vào sẽ làm cải thiện chất lượng âm thanh theo chiều hướng mềm mại và nhiều nhạc tính hơn.

Với đầu đọc có lối ra số (digital output), ta cần phải lựa chọn dây tín hiệu và loại đầu kết nối. Lối ra optical truyền dữ liệu số như một xung ánh sáng. Dạng thông dụng nhất gọi là TosLink (do Toshiba phát triển). Một dạng truyền tín hiệu số qua dây kim loại đồng trục gọi là coaxial cable, với nhiều loại đầu cắm khác nhau. Loại thông dụng nhất trong số này là S/PDIF (Sony/Philips Digital Interface), sử dụng đầu giắc cắm RCA (bông sen) và AES/EBU (còn gọi là AES3) 3 chân giống như đầu giắc balance thông thường (trở kháng 110 ohm). Một dạng dây khác không thông dụng nhưng có chất lượng cao là đầu khóa kiểu BNC (British Naval Connector).

Ngoài ra còn có mốt kiểu kết nói khác sử dụng trong máy tính hay hệ thống thiết bị số khác. Đó là USB (Universal Serial Bus) và IEEE 1394 (Fire Wire).

HAI ĐỊNH DẠNG MỚI SACD VÀ DVD-A

Đĩa SACD (Super Audio Compact Disc) được phát triển trên công nghệ gọi là Direct Stream Digital (DSD). Phương pháp này tạo ra tốc độ lấy mẫu cao tới 2,8 triệu lần trong một giây, cao gấp 64 lần so với lấy mẫu ở CD (44.100 lần/giây)- do đó, nâng cao chất lượng âm thanh và giảm thiêu nhiễu một cách đáng kể trong quá trình truyền dẫn tín hiệu.

DVD-Audio vẫn sử dụng phương pháp ghi Linear PCM (điều chế mã xung) như của CD. DVD-A có độ dài từ 24 bit và tần số lấy mẫu tối đa 192 kHz. DVD-Audio cơ bản sử dụng công nghệ giống như đĩa DVD-Video: tất cả các đầu đọc DVD-A đều đọc được đĩ DVD-Video, ngược lại không phải tất cả đầu đĩa DVD-Video đều có thể đọc được DVD-A.

Sự hiện diện của 3 loại định dạng dgital chủ yếu đặt ra vấn đề là: định dạng nào là tốt nhất? người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời. Về mức độ chất lượng mà nói, cả 2 định dạng DVD-A và SACD có tiềm năng tạo ra một âm thanh có độ phân giải cao và nhiều kênh hơn, nhưng số lượng chương trình hiện có còn chưa nhiều. Độ phân giải cao không phải là ưu thế duy nhất cả đĩa SACD. Dung lượng lớn hơn của loại đĩa này cho phép các nhà sản xuất chương trình có nhiều lựa chọn hơn. Hầu hết các đĩa SACD có hai lớp, một lớp dành SACD và một cho CD (đọc được trên các đầu CD thông thường). Qua hai mươi năm phát triển, số lượng đĩa CD chiếm tỷ lệ phần mềm rất lớn. Không một định dạng nào có thể so sánh được với CD về số lượng chương trình. Tuy nhiên, nếu chọn mua một đầu đọc SACD hay DVD-A vẫn có thể thưởng thức được kho CD vốn có của mình vì đầu đọc này đọc được cả CD. Ngoài ra, các đầu đọc đa năng hiện thời có thể chạy được mọi loại định dạng CD, SACD, DVD-A và DVD-V. Thực tế hiện nay cho thấy đầu đọc SACD hay đầu đọc đa năng được đánh giá là hay thường có giá vài ngàn USD. Tuy nhiên, khi đọc đĩa CD, chất lượng âm thanh của những đầu này thường không bằng các đầu đọc CD cùng tầm giá.

Đứng trước nhiều lựa chọn, bạn sẽ quyết định ra sao? Câu trả lời tùy thuộc vào chính bản thân bạn. Tuy nhiên, trước hết hãy nghĩ đến thói quen nghe nhạc của mình và cũng nên suy tính xem trong tương lai có thay đổi nâng cấp hay không. Cuối cùng là tìm, nghe thử xem đầu đọc nào hay nhất và phù hợp nhất với khả năng của bạn.