TÔI ĐI MUA KARAOKE

TÔI ĐI MUA KARAOKE

Karaoke, thú giải trí bình dân nay đã trở nên rất phổ biến. Từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng có. Karaoke “chính hiệu”- màn sau của các cuộc liên hoan dĩ nhiên là sảng khoái, nhưng karaoke ở nhà cũng đem lại nhiều điều thú vị. Ba ngày Tết được nghỉ ngơi, cả gia đình hát hò thì có vui vẻ nào bằng… Nghe Nhìn Việt Nam sẽ cùng các bạn dạo quanh thị trường để tìm cho mình một bộ dàn karaoke ưng ý.

MUÔN VẺ… KARAOKE

Xuất phát từ thú chơi để xả stress sau giờ làm việc của mấy anh công chức NHật, karaoke ngày nay không còn ở xứ hoa anh đào mà còn rất phổ biến tại nhiều nước Đông Nam Á. Mặc dù không thật khoái món “đặc sản Á Đông” này nhưng cũng không hiếm những người dân Âu Mỹ hơn một lần cầm micro muốn tự mình làm ca sĩ.

Để hát karaoke, ngoài chiếc TV mà nhà ai cũng có, bạn cần đầu tư một bộ dàn hoàn chỉnh bao gồm: micro, tăng âm karaoke và bộ loa chuyên dùng.

Theo anh Toàn, chủ một cửa hàng bán đồ karaoke trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), bộ dàn chơi karaoke tuy không phải thứ nhiều tiền nhưng cần biết lựa đồ đúng cách. Đừng tưởng rằng nhà đã có chiếc ampli và bộ loa nghe nhạc tuyệt vời, rồi chỉ cần ghép thêm một bộ đầu DVD, mua thêm cặp micro mà đem ra hát karaoke cũng hay như … ca sĩ. Nhiều người còn dùng bộ dàn mini DVD có lỗ cắm micro để hát, tuy rất tiện nhưng chất lượng âm thanh không thể so được với đồ karaoke chuyên dụng. Hát như thế chưa được gọi là sành điệu, âm thanh không hay mà lại phải thay đĩa luôn, vì đĩa DVD có quá ít bài. Biết chơi bây giờ là phải dùng đầu hát vi tính 5-6 số, sắm ampli và loa chuyên dụng cho karaoke thì âm thanh mới giống ý như ngoài hiệu.

Hiện nay trong số các sản phẩm điện tử đang bày bán trên thị trường, có lẽ đồ karaoke là một trong những mặt hàng phong phú nhất: rất đa dạng  về chủng loại cũng như thương hiệu, kiểu dáng.

Dạo quanh một vòng qua những điểm bán đồ karaoke ở chợ trời, dọc phố Hai Bà Trưng… mới thấy hết sự phong phú của thương hiệu. Không thiếu những cái tên nào Tây, nào Hàn, nào Việt… mà đối với những người không sành, chắc khó mà phân biệt được loại nao là hàng thật, loại nào là hàng nhái: Cali, California, Bose, BMB, Jaguar, Vitek, Arirang, CAVD…

CHỌN ĐỒ CHO HỢP TÚI TIỀN

Vốn được coi là hàng bình dân, nên đồ karaoke thực ra cũng dễ sắm. Tùy theo yê cầu , bạn có thể lựa chọn và ghép 1 bộ dàn karaoke vừa ý. Anh Quang, một người bán đồ âm thanh karaoke lâu năm giàu kinh nghiệm cho biết, tùy theo túi tiền, người mua có thể chọn từng thiết bị lẻ để ghép thành bộ. Nếu đi mua bộ dàn từ đầu có thể ghép đồ karaoke theo 3 cấp như sau:

Tầm tiền 5-6 triệu: Đây là tầm tiền tối thiểu để có được một bộ dàn karaoke hoàn chỉnh. Với kinh phí 5-6 triệ, sự lựa chọn cũng không thật phong phú: một đầu karaoke vi tính (còn gọi là đầu mid) kèm theo đĩa có khoảng một hai chục ngàn bài hát, trong đó có 3-4 ngàn bài tiếng Việt giá trên 2 triệu như CAVD HQ-M600, AR-36E. Một chiếc ampli có sẵn bộ trộn âm (mixer) do Việt Nam lắp ráp giá 1,7 – 1,9 triệu như HQ-88-4. Một bộ loa Trung Quốc hoặc Việt Nam đóng giá 1,5 – 1,6 triệu. Thêm một chiếc míc Hà Quốc CAVS-568 giá 300 ngàn nữa là ổn.

Tầm tiền 8 -10 triệu: Với tầm tiền này, bạn có thể chọn một đầu karaoke vi tính tốt hơn giá vào khoảng xấp xỉ 3 triệu. Một ampli karaoke sò Mosfet cho công suất mạnh hơn, giá không quá 3 triệu. Riêng loa, ở mức tiền này có khá nhiều giải pháp. Nếu chọn loa mới, bạn có thể dùng loa của hãng CAVD model CS-450 giá 1,7 triệu hoặc CS-352 giá 2,5 triệu. Nếu chấp nhận chơi loa second-hand, bạn cũng sẽ có những lựa chọn khá phong phú. Riêng loa second-hand cho karaoke cũng có nhiều điều đáng nói. Theo những người có kinh nghiệm, dòng loa second-hand hát karaoke hay nhất là loa Bose 201 hay BMB X21 vào khoảng 2,5 triệu; Bose 302III khoảng 3,7 triệu; Bose IV khoảng 4,2 triệu hoặc 4,5 triệu. Bạn cũng cần mua cặp micro loại khá (của Hàn Quốc sản xuất) có giá trị từ 400-750 ngàn đồng.

Tầm tiền 10-15 triệu: Mức đầu tư này dành cho những bạn muốn “hát hay như ngoài…nhà hàng”! Về đầu đọc, bạn vẫn có thể sử dụng các loại đầu cao cấp như HQ-2000K của CAVD (giá 3,8 triệu). DH-3600S hoặc AR-18K của Arirang (giá từ 4,9 – 5,5 triệu). Về ampli, bạn vẫn sử dụng những ampli cao cấp như: HQ-888-8 hay HQ-999-8 của CAVD, loại ampli 8 sò Mosfet công suất lớn. Riêng phần loa, bạn có thể chọn những loại loa “xịn” đã qua sử dụng như: Bose 301IV hoặc Bose 4.2. Đối với dòng loa mới, JBL vừa đưa ra thị trường sản phẩm loa chất lượng cao, chuyên dùng cho karaoke model KHM-10 với giá 6,2 triệu đồng một đôi. Để tăng cường tiếng trầm cho hệ thống loa, bạn có thể mua và ghép thêm vào bộ dàn này một cục subwoofer. Những thương hiệu subwoofer được ưa chuộng là Yamaha, B&W. Với cục sub Yamaha second-hand, có giá giao động từ 1,8 triệu đến hơn 4 triệu. Sub mới có giá khoảng 250 – 400USD. Thương hiệu CAVD cũng có cục sub với giá chỉ 1,5 triệu. Với bộ dàn cao cấp này, chọn loại micro tốt như Shure M58 giá 110USD là cần thiết để có chất lượng âm thanh thêm hoàn hảo.

ĐI TÌM… CHẤT LƯỢNG

Câu “tiền nào của nấy” thật là đúng trong trường hợp này. Vì trên thị trường quá nhiều nhãn mác đồ karaoke nên không ít bạn đã cảm thấy bối rối khi đi chọn mua cho mình bộ dàn ưng ý. Vì đồ karaoke nói chung không đắt, công nghệ chế tạo cũng không quá phức tạp như đồ hi-end nên nhiều nhà sản xuất trong nước có, ngoài nước cũng có đang cung cấp cho thị trường những sản phẩm với mức giá và chất lượng khác nhau.

Về đầu vi tính và ampli karaoke, theo chúng tôi các bạn nên chọn những thương hiệu có uy tín như: CAVD, Arirang, Vitek…để mua. Hiện nay, trong số các sản phẩm sản xuất trong nước, dòng sản phẩm thương hiệu CAVD của công ty TNHH Hiền Quân đã được cấp chứng chỉ ISO-9001 có chất lượng khá tốt và hoạt động ổn định, các linh kiện sử dụng cũng được chú ý đúng mức. Đặc biêt, hiện nay trong đĩa karaoke của CAVD đã sử dụng định dạng WMA cho các bài hát, sự cải tiến này đã đem lại chất lượng phần nhạc đệm tốt hơn hẳn. Ngoài ra, các thương hiệu như: Arirang, Vitek… cũng là những sản phẩm tốt, đáng chú ý. Để có một bộ dàn karaoke hát hay, việc đầu tư không chỉ dừng lại ở việc mua một chiếc đầu hay ampli và loa tốt, mà bạn còn cần chú ý đến cả những chi tiết tưởng chừng nho nhỏ như: dây nối micro, dây tín hiệu, dây loa… Đối với các loại dây này, nên dành một khoản tiền để chọn mua dây tốt. Dây micro và dây tín hiệu nối từ đầu vi tính đến ampli phải là loại dây bọc kim tốt, tránh nhiễu, tránh ù. Dây loa nên chọn loại dây chuyên dùng (chẳng hạn dây Clearwater của Van Den Hull, cắt theo yêu cầu của người mua, giá 160 ngàn đồng một mét). Các loa hát karaoke phần lớn là dạng bookshelf, do đó bạn cần mua thêm một bộ chân loa bằng sắt nặng để kê cho chắc chắn. Nếu có điều kiện, bố trí thêm một số vật liệu âm hoặc trải thêm thảm trong phòng, vừa êm chân vừa có tác dụng hút âm, tránh các tiếng rú rít tần số cao rất tốt.

CÁCH CHỈNH BỘ DÀN KARAOKE

Đấu nối các thiết bị như đầu đọc, ampli và loa theo hướng dẫn. Vặn tất cả các chiết áp volume trên ampli về số 0. Cắm micro vào bộ trộn âm. Bật nhạc cho phát thử một bài. Chỉnh dần chiết áp của phần nhạc – music và chiết áp tổng master lên sao cho vừa đủ nghe. Chỉnh các nút âm sắc – bass/treble sao cho tiếng nhạc hay và êm tai. Sau đó từ từ vặn chiết áp volume của kênh micro lên, alo 1 2 3 4 hoặc hát thử mấy câu, chỉnh cho độ lớn của lời hát cân bằng với tiếng nhạc. Sau đó chỉnh âm sắc cho từng kênh micro, sao cho giọng hát được rõ ràng, ấm áp, không bị chói gắt. Chỉnh các nút delay, echo và volume của kênh echo sao cho giọng hát nghe vang tự nhiên, khi hát cảm thấy nhẹ nhàng không phải cố sức là được.

XUÂT XỨ CỦA KARAOKE

Đến từ xứ sở hoa anh đào, giờ đây từ “karaoke” còn có mặt trong từ điển “The Oxford English Dictionary” mới nhất, một trong số các cuốn từ điển được xem là uy tín và chuẩn mực nhất tại Anh. Qua đó, có thể thấy được từ này đã trở thành thông dụng trên toàn thế giới. “Karaoke” lần đầu tiên xuất hiện ở một quán bar tại thành phố Kobe. Vào những hôm các nhạc công không đến được buổi biểu diễn, chủ quán liền mở các bản nhạc thu âm, và ca sĩ hát theo các bản nhạc được thu sẵn đó. Đây chỉ là một truyền thuyết nhưng cũng có thể chính là khởi nguyên của “karaoke”. Kể từ đó, “karaoke” đã trở nên phổ biến và rộng rãi khắp đất nước Nhật Bản.

Vì thế “karaoke” là một từ ghép bởi các từ :’kara” viết tắt từ chữ “karapo”, có nghĩa là trống, không có; “oke” viết tắt từ chữ “okesutura”, có nghĩa là vắng dàn nhạc. Thông thường, các đĩa hát được ghi âm lại luôn gồm cả phần lời và phần nhạc. Các đĩa chỉ có nhạc không thì được gọi lá“karaoke”.

“Karaoke” là một loại hình giải trí tiêu biểu dành cho giới doanh nhân Nhật Bản. Sau giờ làm việc, họ cùng nhau đến một quán bar nào đó, mua đồ uống và cùng hát những bài hát đang thịnh hành qua thiết bị mang tên “karaoke”. Loại hình giải trí này đã xuất hiện tại Nhật trên 25 năm và trở thành nét đặc trưng cơ bản của văn hóa Nhật.