TẢN MẠN VỀ CÁI SỰ CHƠI

TẢN MẠN VỀ CÁI SỰ CHƠI

Trong xã hội nông nghiệp, các cụ ta vẫn tự biết dành cho mình khoảng thời gian ngoài lao động cho cái sự chơi và thật có lý khi một năm chọn lấy tháng Giêng làm “tháng ăn chơi”. Tháng Giêng, ấy là khi mùa vụ đã xong, thóc lúa đã đầy bồ. Sắc xuân thì phơi phới qua những bông đào, bông mai, bông cúc… tâm hồn thi thơ thới, bụng dạ thì no nê sau những ngày “bánh chưng, thịt mỡ”. Ấy là lúc cái no nê dư thừa về vật chất phải nhường chỗ cho cái thú giải trí tinh thần. Chả thế mà quá nhiều lễ hội, nào từ cuộc sống dân dã, nào chốn đình chùa đua nhau mở ra nhân dịp tháng Giêng… Người ta, nếu chỉ có đi làm hùi hụi thì có lẽ việc sống trên đời cũng không có gì đáng để gọi là thú vị.

Thế mới phải sinh ra cái sự chơi, sự thưởng thức, hưởng thụ cho nó cân bằng với việc mưu sinh quanh năm vất vả.

Sự chơi thời lấy sướng làm đầu. Chơi là quá trình khám phá mà cái đích của sự chơi phải đạt đến độ sành sỏi, được như thế thời mới gọi là biết chơi, hay hơn một bậc là sành chơi. Từ những thú chơi cổ truyền như chơi chim, chơi cá, chơi cây, chơi đồ cổ… cho đến những thú chơi mới hơn như sưu tầm tiền, sưu tầm tem, chơi nội thất, chơi xe máy-xe hơi, điện thoai… Thú chơi nào cũng cần phải có thời gian, phải lọ mọ tìm kiếm, tối ngày chăm chút, mua qua đổi lại. Thế nên mới có câu “nghề chơi cũng lắm công phu” và “ăn chơi thì tốn kém”.

Chơi âm thanh cũng không ngoài quy luật đó. Ở ta, thú chơi âm thanh cũng mới mở ra được mấy chục năm gần đây. Cũng là nhờ sự tiến bộ của xã hội, cải cách kinh tế, người dân có thu nhập ổn định hơn, một bộ phận có thu nhập khá cao, đủ để chi cho những niềm đam mê loa đài, kỹ thuật… vốn ngủ sâu trong tiềm thức đa số giới đàn ông thuộc đa thành phần, nhiều lứa tuổi.

Nhưng chơi âm thanh có phần khó đạt tới đỉnh thú vị ngay từ buổi khởi đầu. Cuộc chơi này muốn tham gia phải có khả năng tài chính, và đã là dân chơi trong lĩnh vực này như kinh nghiệm của người trong cuộc, thời “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Tất cả những tay cự phách trong nghề chơi âm thanh đều đã trả khá nhiều học phí, mà mấy anh em thân quen hay đùa nhau là “ngu si”, hay lịch sự hơn thì kêu bằng ”học phí”. Có ai chơi âm thanh đạt đến độ hài lòng về dàn máy của mình mà chẳng phải đổi qua đổi lại dưới chục lần. Mà mỗi lần đổi là một lần bớt dại. Bớt dại nhưng lại thêm tiền, phải chăng ấy là quy luật của mọi sự chơi?

Giống như nhiều thú chơi khác, chơi âm thanh cũng thật cầu kỳ. Không phải chỉ có chọn cái máy hay, đôi loa tốt, mà ngay cả những vật dụng nhỏ bé cũng được dân chơi chú tâm chăm chút. Họ cẩn thận chọn từ sợi dây chọn đi, cầu kỳ từ bộ đĩa CD chọn lại. Chơi âm thanh đương nhiên trong túi phải có tiền, không thể nói suông! Nhưng biết chơi không hẳn là người có nhiều tiền. Mà biết chơi là người chọn được những món đồ như ý trong tầm ngân sách của mình. Sao cho với số tiền giới hạn mà “độ thỏa dụng” là cao nhất. Nói theo ngôn ngữ của mấy anh bạn kinh tế gia mê âm thanh là chơi làm sao cho “tối đa hóa lợi ích”. Cũng từ cách nghĩ này nên mới có nhiều người chơi đồ âm thanh xê-cần-hen, “cũ người mới ta” cốt lấy âm thanh hay làm chính.

Tất nhiên hầu bao rủng rỉnh thì chơi gì cũng… sướng. Dễ chọn hơn, dễ mua hơn, có nhiều cơ hội mua hàng mới, hàng hiệu hơn. Nhưng như thế đã đủ coi là dân sành sỏi chưa, là hạng sành chơi chưa…? Thì xin thưa rằng vẫn chưa. Chơi như thế mới được coi là “sành điệu” mà thôi. Mà dưới con mắt của những tay chơi lão luyện thì kẻ “sành điệu” ấy có một chút gì đua bạn đua bè, một chút thích phô phang thể hiện, chưa phải là chơi kỹ! sành chơi là phải hiểu đồ chơi, biết được đặc điểm, chất âm, xuất xứ, thuật phối ghép từng món đồ sao cho hợp. Và để có được ngần ấy kinh nghiệm, người chơi chắc chắn phải có gốc, nghĩa là sự chơi phải bắt đầu từ những món đồ cấp thấp, rồi “leo” dần lên những món đồ có đẳng cấp cao hơn. Có ai đó đã cho rằng “hạnh phúc là trên đường tìm kiếm”…vận vào cái sự chơi âm thanh thấy sao mà đúng quá.

Chơi âm thanh cũng có nhiều dòng, nhiều kiểu, nhiều phong cách chơi. Ông thì cứ thấy đồ gì mới thì phải tìm cách mua về chơi cho bằng được. Ông thì suốt ngày lang thang nơi mấy chợ đồ cũ để mong kiếm được “con máy ngon” với giá hời. Có ông lại bỏ cả “8 giờ vàng ngọc” ở cơ quan công sở để lọ mọ ráp ráp, nối nối mấy món đồ chơi hòng tìm ra thứ âm thanh của riêng mình… chung quy lại niềm đam mê âm nhạc và âm thanh đã lấy đi kha khá thời gian và tiền bạc của nhiều người trong giới mày râu. Ấy thế, nhưng chưa thấy ông nào đã trót ham mê cái nghiệp này lại tuyên bố “giải nghệ”. Có nhiều ông, trong bụng tự hứa sẽ nhất định không bao giờ lai vãng các cửa hàng nữa. Thế nhưng, chỉ một cú phone của bạn hữu báo tin “…nhà ấy mới có con máy hay lắm” là sau một hồi trăn trở, lại xách xe lao đi sầm sập cú như … bị ma làm.

Để đạt tới đẳng cấp cao trong giới chơi âm thanh có lẽ là câu chuyện khó. Ngoài sự đam mê, có lượng kiến thức tương đối cơ bản  về thế giới không giới hạn của hi-end, thì dân chơi cần xác định thú chơi này thuộc dạng “áo gấm đi đêm”, chỉ có bản thân và người tri kỷ biết. Nếu nhà hàng xóm vừa mua về một chiếc xe hơi hãng Ford hoặc Toyota, hoặc Mercedes… vài chục ngàn Mỹ kim, lập tức cả hàng phố biết, cả hàng phố cùng đồn thổi về cái sự sang, cái sự giàu. Dân chơi âm thanh “khuôn” lấy một thế giới âm thanh huyền ảo với những đèn, những ampli, loa nọ loa kia… bằng số tiền lớn gấp đôi, gấp 3 cái ô tô kia, nhưng khổ nỗi không thể phô ra với bàn dân thiên hạ cái sự sang giàu cả mình! Một sợi dây loa, một cặp bóng đèn khi có giá tới cả vài ngàn đô la, nhưng nếu tháo ra, người ngoại đạo vô tình nhặt được chắc chẳng biết dùng để làm gì! Công phu là thế và áo gấm đi đêm cũng là thế.

Nhưng có cái lạ, cầu kỳ công phu là thế nhưng đây lại là cuộc chơi thu hút rất nhiều nhữngtín đồ âm thanh. Chơi âm thanh quy tụ đủ các thành phần, từ mấy chú sinh viên còn đang mài đũng quần trên ghế trường đại học cho đến các bác về hưu ngoại lục tuần. Từ ông tri thức đến nhà doanh nhân… mỗi khi gặp nhau, câu chuyện của dân chơi âm thanh tất nhiên không có gì xoay quanh chuyện trường phái nhạc này, phong cách chơi kia, rồi loa nọ máy kia. Mỗi ông một tính một nết, một thói quen thường thức khác nhau. Ông thì thích chơi ampli sò, ông lại cho rằng đèn mới là số một. Ông thì tuyên bố analog đã hết thời, ông lại khăng khăng chung tình với đĩa than – băng từ cổ hủ… thế là, nhiều khi câu chuyện tầm phào bỗng trở thành cuộc tranh luận không ai chịu ai, ông nào cũng cố bảo vệ cái lý của mình, xem ra hăng hái lắm.

Tranh luận với nhau là thế, ấy mà khi các ông về đến nhà thì lại rất… dịu. Vợ có hỏi cặp loa mới này anh mua bao nhiêu thì lập tức khai ngay chỉ còn phân nửa giá mua. Nếu không bà xã xót tiền thì “thú đam mê” coi như hết phần tiến bộ! Cũng may, chơi audio là một thú chơi lành mạnh, chẳng có bà vợ nào lại nỡ ngăn cản chồng mình những lúc ở nhà thả hồn bên đĩa nhạc. “Mê nhạc còn hơn mê khối thứ khác”, các bà vẫn bảo thế. Không giống với nhiều thú chơi khác, dù cho chơi âm thanh là cái thú “áo gấm đi đêm”. Tức là mình chơi mình biết mà thôi. Kể cả ông có bộ dàn hàng mấy trăm triệu trong nhà thì cũng có mấy ai biết đấy là đâu. Nó khác với cái ô tô sang trọng ông có thể lái ra đường trước bàn dân thiên hạ. “Áo gấm đi đêm”, ấy thế mà cái thú chơi đầy đam mê này ngày càng thu hút được nhiều người mến mộ. Thế mới biết, niềm đam mê và sự thu hút nhiều khi chẳng thể giải thích được bằng lời…!