Chơi Audio: Thiên đường ngộ nhận

Chơi audio, trước hết phải nhìn nhận là một thú chơi tao nhã. Nhất là vào thuở này, giăng giăng khắp chốn là đầy dãy những thú chơi khác “hư người”. Vậy thì việc một gã nọ, tuổi ngoài tứ tuần, loay hoay phấn kích như trẻ con khi vớ phải một món đồ audio mà mình bấy lâu tìm kiếm, hay một thanh niên mặt còn non sữa, đâm đầu vào những chốn hi-end để trầm ngâm theo những tiết điệu khó nghe, và kể cả những “lục thập nhi nhĩ thuận” mặt mũi vẫn có thể đỏ gay khi bàn cãi về một bất đồng trong phạm trù audio, xét trên khía cạnh đam mê, họ đều là những tín đồ đáng trân trọng. Nhưng phàm cái gì khi yêu quá, như tình yêu, đều có thể khiến cho những kẻ cuồng si lâm vào những ngộ nhận, và miên man những hệ lụy theo cùng.

10156084_756236134417344_6222393922802837408_n

Sự ngộ nhận trong việc chơi audio, thật ngạc nhiên, thường không rơi vào những người mới chơi. Vì trong giai đoạn này “nhất cử nhất động” của người chơi thường rập khuôn theo một lộ trình “chuẩn hóa” của những người đi trước, lộ trình này được “sep up” từ những kinh nghiệm đầy đau thương và vất vả của những người chơi lâu năm truyền lại. Thường thì những điều mà người mới tập tành nhận được là những chuyển biến rất tích cực, thú vị, bất ngờ, xét riêng về chất lượng cảm thụ. Điều này là dễ hiểu khi mới hôm qua còn nghe nhạc trên một hệ thống tất cả trong một thì bữa nay đã phân vùng nhiệm vụ cho riêng từng thiết bị. Âm thanh không ít thì nhiều chắc chắn sẽ cải thiện. Chuyện ngộ nhận với cơ man những hệ lụy chỉ bắt đầu xuất hiện khi người chơi đã xuất hiện được một phần ”công lực” nhất định.

Có mâu thuẫn hay không? Thật ra điều này không đúng với tất cả, nhưng nó laị là hiện tượng của đa số.

Vì khi bạn biết nhiều, sẽ luôn có một mãnh lực thôi thúc bạn phải đạt được và nếm thử những “huyền thoại” mà từ nhiều nguồn thông tin bạn đã cập nhật được. Những “huyền thoại” này từ ban đầu đã mặc định trong tư tưởng của bạn như là một chứng nhận ISO về chất lượng của âm thanh (và kể cả âm nhạc?)

6961715876_2f36aa9eb2

Sự ngộ nhận được hiện diện dưới hình thức như thế nào? Ta có thể tạm chia ra thành ba hình thức sau: Sự sùng bái thiết bị, việc đánh đồng giữa “lạ” và “hay” và không thể xác định được cái tôi trong xu hướng nghe nhạc.

Sự sùng bái thiết bị, tự bản thân nó chỉ rơi vào dân chơi audio “mưu cầu” đẳng cấp hi-end. Từng cọng dây, từng cái jack cắm đều phải được chọn lọc và đắn đo ở mức độ tinh luyện nhất theo cái tai (nhiều khi không phải để thẩm âm, mà là để nghe ngóng) của người chơi. Khuynh hướng của dân chơi Hi-End là đã chơi thì phải chơi hàng đầu bảng, độc, lạ. Hệ thống phải quy tụ cho đủ những anh hào trong làng thiết bị mới yên tâm được để nghe nhạc. Một thiết bị audio nào đó, khi xuất hiện riêng lẻ, có thể là ngoại hạng trên tháp ngà chót vót, nhưng khi người chơi sau bao trăn trở và gian nan, gộp lại đủ những ngoại hạng như thế để tạo thành một hệ thống nghe nhạc cho riêng mình, thì sau những phút trà dư tửu hậu, tán thưởng, gật gù, mãn nguyện (kể cà mãn nhãn) cùng đồng đạo, chủ nhân chợt bàng hoàng nhận thấy ôi sao âm điệu đó vẫn không có gì quá vượt trội như kỳ vọng, hoặc tan nát hơn là âm thanh từ những thiết bị đồ sộ kia sao lại cứ thấy thiếu thiếu một chút gì thân thương, đằm thắm, dịu dàng của bộ dàn mà mình đã bán tống bán tháo. Mà tiền tỉ thì đã bỏ ra… Điều này không phải là nghịch lý. Mỗi một thiết bị khi leo lên đến bậc ngoại hạng đều mang sẵn bên trong một cá tính rõ nét về chất âm, buộc những vệ tinh (thiết bị) đi kèm phải chiều chuộng, mà bắt những “cục” đều có cá tính này đứng chung với nhau … thì việc hòa thuận sẽ đầy gian nan, trắc trở, thậm chí bẽ bàng là điều không khó hiểu. Nhưng dĩ nhiên cũng không nên nhìn vấn đề ở góc cực đoan như vậy, vẫn còn đó những người may mắn thiết lập được một hệ thống hoàn hảo dù rằng rất ít, vậy chuyện gì xảy ra cho những “đại gia” còn lại? Và khách quan hơn nữa, chuyện gì sẽ xảy ra với số ít người may mắn trên khi nghe một bản nhạc quen thuộc từ một hệ thống chỉ đáng giá 1/10 hệ thống của mình mà nghe vẫn tê tái, rụng rời?

Tung-Sol-KT120-SE-Tube-Amp

Sự sùng bái thiết bị còn dư chấn sang một dạng khác là hiện tượng quá ảo tưởng về khả năng “sáng tạo” của bản thân người chơi.

Thật sự là kính trọng đối với những bạn chơi tự mày mò, xoay sở, nghiên cứu để có thể tự lắp ráp, điều chỉnh cho riêng mình một thiết bị (DIY/MOD) phục vụ cho việc nghe nhạc. Cái đẹp ở đây là tính vượt khó, sự đam mê và khát khao nhằm thấu hiểu được những điều bí ẩn nào tạo nên âm thanh ẩn chứa trong lòng những linh kiện. Hoạt động này mang lại một giá trị tinh thần to lớn cho người chơi. Việc ngộ nhận chỉ xảy ra khi bạn cho rằng mình đã đủ “công lực” để tạo nên những thiết bị hay ngang ngửa (thậm chí hay hơn?) các thiết bị đã có danh phận. Đây là điều không tưởng! Với chỉ vài so sánh rất “vật chất” như lịch sử và quá tình phát triển, điều kiện và trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất, đo kiểm….

Hình thức ngộ nhận thứ hai đó là không phân biệt được (hoặc đánh đồng) giữa âm thanh “lạ” và âm thanh “hay”. Có khá nhiều trường hợp người chơi cứ đeo đuổi mãi việc thay đổi và nâng cấp các thiết bị trong hệ thống của mình chỉ để thõa mãn những đòi hỏi và hướng dẫn được ghi trên những đĩa thử.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Hai tiếng trống này khi cất lên thì có phải âm hình một cái tiếng đằng trước, một cái lùi phái sau hay không? Cái khúc thổi saxo này có nghe được tiếng lấy hơi của người thổi hay không? … Để rồi cứ lo lắng, thấp thỏm, thất vọng hoặc mãn nguyện và cố gắng mời hết người này đến người khác về nhà nghe kiểm chứng giúp. Dạng chơi này thường ít khi nào nghe hết được một đĩa nhạc, nhưng thường tốn rất nhiểu thời gian để săn lùng những CD có những âm thanh càng lạ càng tốt!

Sự ngộ nhận cuối cùng cũng là sự ngộ nhận dễ thương nhất, đó là không có khuynh hướng rõ ràng trong việc nghe nhạc, hoặc không dám nhìn nhận cái tôi đối với thể loại nhạc mà mình yêu thích. Có không ít bạn cứ tụ tập cùng với các đồng đạo mơ màng nghe jazz hòa tấu, dù rằng nghe như đang bị tra tấn. Hoặc trong một buổi thử máy tại nhà một “đại gia”, bị nghe phải một CD nhạc giao hưởng, nghe chỉ muốn tông cửa chạy ra ngoài mà vẫn phải gật gù thưởng thức. Vì nghe các thể loại nhạc đó được xem như thuộc hàng…chơi nhạc sành. Rồi về nhà cố gắng tập nghe và làm quen với những thể loại nhạc “khó “ đó để không bị tuột hậu, “kém chất”. Nếu bạn nghe Chế Linh hát “Thành Phố Buồn” hay Đàm Vĩnh Hưng “Thương Hoài Ngàn Năm” mà thấy hay thì đừng bao giờ nên thoái thác nó, vì đó cũng là âm nhạc và bạn đang nghe, thưởng thức và cảm nhạc.

IMG_17661

Đam mê, nhất là mê audio, là một đam mê rất đẹp và cao thượng. Nó hướng tâm hồn bạn đến những cái đẹp lành mạnh, thanh cao,mọi “sân, si” trong lĩnh vực này nói một cách thẳn thắng là thô bỉ. Hãy tôn trọng trái tim và đôi tai của bạn, vì không ai có thể nghe hộ bạn và rung lên được những cảm xúc như chính bạn khi mà bạn nghe được những ca khúc mà bạn yêu thích. Rung lên được cảm xúc, đó chính là top-end, mọi thứ còn lại là thứ yếu!

Bài viết được gợi ý từ một câu chuyện bi hài có thật tong giới hi-end xảy ra trong thời gian gần đây. Một audiophile cho rằng hệ thống của mình có khả năng thể hiện thêm “tiếng chim hót” ở một track nhạc, nhưng tất cả mọi người khi nghe kiểm chứng track nhạc đó tại nhà đều không phát hiện nổi “Tiếng chim hót” dù có nghe kỹ đến mấy, nghe với bộ dàn đắt cách mấy…. Cuối cùng căn nguyên của “Tiếng chim hót” này chính là tiếng của chim thật từ ngoài vườn len lỏi vào phòng nghe. Những tâm sự của tác giả trong bài viết như một liều vắc-xin cho những ai chưa có biểu hiện ngộ nhận, nhưng nếu nhận thấy mình cũng từng là một kẻ ngộ nhận thì cũng là chuyện bình thường, đó cũng là một phần cùa thú chơi audio, thú chơi tao nhã không chỉ cần kiến thức, tiền của, mà audio phải là người yêu nhạc thực sự, hệ thống chỉ là phương tiện.

Vũ Thanh – Nghe Nhìn Việt Nam