Loa đóng vai trò chủ lực nhằm tạo ra hiệu năng tổng thể cho hệ thống âm thanh, do đó việc tín đồ mê nhạc dành thời gian để trải nghiệm các model khác nhau trước khi “tậu” chúng là điều hết sức cần thiết. Nhưng lẻ loi loudspeaker, dù hay đến nhường nào, cũng không thể đảm bảo kết quả mong đợi – ví như “cánh én nhỏ khó dệt nên mùa xuân”. Để đạt chất âm chạm ngưỡng cảm xúc, những nhân tố bao gồm kiểu dáng loa, vị trí ngồi, phụ kiện nguồn và dĩ nhiên kể cả thị hiếu cá nhân góp phần quan trọng không kém.
Cảm Nhận Về Chất Âm Vốn Mang Tính Cá Nhân
Như nghệ thuật, thực phẩm hay rượu vang, quan điểm về chất lượng âm thanh vốn muôn vàn sắc thái với “mỗi người một gu”. Cho đến ngày nay, vẫn chưa tìm thấy loudspeaker nào “thỏa mãn” mọi nhu cầu thưởng thức. Thông thường, để có sự nhận định chính xác nhất, hầu hết music lovers đều nghe thử, thậm chí còn đem theo và thả hồn sâu lắng vào các album yêu thích mà mình dày công sưu tầm. Theo nhiều chuyên gia gạo cội chia sẽ, tín hiệu phát ra cần hội tụ đủ các tiêu chí: âm sắc mộc, giọng cân đối và đặc biệt giữ xuyên suốt cảm giác lâng lâng khó tả nên lời cho người nghe.
- Muôn Hình Vạn Trạng “Kiểu Dáng Loa”
Có vô số loudspeaker đến từ hàng loạt thương hiệu, điều này thường gây choáng ngợp không ít tay chơi nhập môn. May thay, việc phân chúng theo nhóm giúp “gỡ rối” phần nào vấn đề nói trên. Cụ thể, xét theo thiết kế, loa được gói gọn trong một số kiểu dáng tiêu biểu: floor–standing (loa cột), bookshelf (loa kệ), satellite (loa ngoài trời), subwoofer (loa bass), soundbar (dùng cho TV) và loa đi động. Về phối ghép, nổi bật có loa wired, wireless, chuyên nhạc 2 kênh (stereo) hoặc đa kênh (multi–channel). Lần nữa, tất cả tùy vào sở thích hay nhu cầu riêng của mỗi tín đồ mê nhạc.
Tổng quan, nhờ sự tương hỗ tối ưu giữa drivers và thùng loa, floor–standing cùng bookshelf là 2 nhóm được coi là mở ra hiệu suất trình diễn vượt trội hơn hẳn. Dẫu vậy, việc setup chúng chiếm nhiều không gian, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng khi thiết kế phòng.
- Phòng & Xử Lý Âm Học
Không phải mọi kiểu loa đều phát huy tối đa ưu thế tại một không gian setup cố định. Dường như khá khó để loudspeaker cỡ nhỏ phù hợp với kích thước phòng ngủ bình thường trình diễn chất lượng tương đồng nếu được bố trí ở phòng khách, trong khi speaker lớn hơn dễ dàng thực hiện điều ngược lại. Như một lẽ thường, những kẻ “cơ bắp vạm vỡ” thể hiện uy lực mạnh mẽ hơn, song bước kiểm tra công suất ngõ ra (đơn vị W) là “không bao giờ thừa”.
Bên cạnh, mỗi một vật dụng hiện hữu trong phòng nghe cùng chất liệu của chúng đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chung. Theo lý thuyết, tín hiệu sẽ phản xạ qua tường, đồ gỗ nội thất lớn và thảm trải sàn, đệm lót sẽ hút âm. Bằng cách nào đó, người dùng cần điều chỉnh sao cho hài hòa giữa 2 thực trạng hoàn toàn trái ngược nhau này.
- Phối Ghép Với Những Linh Kiện Tương Xứng
Để đạt kết quả tốt nhất, loa cần được phối cùng ampli hay receiver sở hữu công suất thích ứng. Nhà sản xuất thường đưa ra gợi ý về một số bộ khuếch đại chuẩn để đánh từng loa riêng. Ví dụ như, loudspeaker yêu cầu công suất từ 30 đến 100 W – thông số này mang tính tham khảo khá hữu ích. Với hệ thống đa kênh hay thiết lập surround, nên sử dụng loa cùng hãng.
- Tối Ưu Hóa Hệ Thống
Sau khi đã mang loa về nhà, cần kết nối, cài đặt và bố trí chúng ở vị trí lý tưởng. Một vài loudspeakers nghe ấn tượng nhất khi đứng sát tường, số khác cần không gian thoáng đãng. Ngoài ra, các driver dải cao và dải trung có khuynh hướng nghe hay hơn khi setup chúng ngang với tai người.