ÂM THANH ĐẸP

Thưởng thức và tìm hiểu âm thanh tạo ra bởi bộ dàn hi-fi là mối quan tâm và niềm đam mê của các bạn yêu nhạc. Để đánh giá bộ dàn được chính xác, chúng ta cần có những chuẩn mực về chất lượng âm thanh. Sau đây là một số tiêu chí đánh giá về âm thanh hay được dùng khi đánh giá chất lượng bộ dàn hi-fi.
ÂM SẮC

am thanh dep
Nói một cách đơn giản, âm sắc dùng để chỉ “màu sắc” của âm thanh. Mọi người thườn nói, giọng ca này thật âm áp, giọng ca kia quá mỏng…tất cả nhằm ám chỉ sắc màu của âm thanh. Âm thanh cũng giống như ánh sáng, nó có màu sắc, song chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt, mà cảm nhận bằng đôi tai. Thông thường, âm sắc càng âm áp, âm thanh càng trở nên mềm mại, dịu ngọt hơn, âm sắc càng lạnh lẽo, âm thanh càng trở nên kho cứng.
Âm sắc là nhân tố căn bản để chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các nhạc cụ hay giọng người. Nghe một nốt nhạc chúng ta có thể phân biệt nó được tạo ra bởi đàn guitar, piano hay violin..đó chính là nhờ âm sắc của mỗi nhạc cụ một khác nhau. Xét trên góc độ vật lý, âm sắc của mỗi nhạc cụ hoặc giọng hát phụ thuộc vào cấu trúc và thành phần của các hài âm (har-monic). Âm sắc tái tạo đúng giúp người nghe cảm nhận chính xã được âm thanh của từng loại nhạc cụ, làm cho âm nhạc trở nên tự nhiên hơn, quyến rũ hơn.
Điều này cũng tương tự như trong thế giới thiết bị hi-fi. Bạn có thể nói rằng, dàn máy này nghe ấm áp, ngọt ngào, dàn máy kia tiếng tối, khô vv…tuy mỗi người cảm nhận âm sắc không hoàn toàn giống nhau, song về cơ bản không thể nói rằng nóng là lạnh. Đó chính là sự thống nhất chung của chúng ta về âm sắc.
TẦNG ÂM VÀ TRƯỜNG ÂM
Tầng âm (sound stage) và trường âm ( sound field) là 2 khái niệm dễ nhầm lẫn và khó có sự phân biệt rạch ròi. Nói một cách đơn giản, trường âm là độ rộng của không gian âm thanh và tầng âm là lớp được tạo ra bởi một nhóm các nhạc cụ trong một sự sắp xếp nào đó trong không gian theo chiều sâu (trên sân khấu hay trong phòng thu). Trường âm cho ta cảm giác về độ vang, độ rộng hẹp và kết cấu kiến trúc của phòng hòa nhạc. Trong khi đó, tầng âm cho ta cảm giác các nhạc cụ trong dàn nhạc được bố trí như thế nào, các nhạc công ngồi ai trước, ai sau trong không gian… Tầng âm và trường âm là 2 yếu tố quyết định rất lớn đến tính hiện thực và độ hiện diện của âm thanh.
Do âm thanh tái tạo trong phòng nghe của bạn bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự không đều trong đáp tuyến tần số của các thiết bị khuyếch đại, cũng như đặc tính âm học của phòng nghe và vị trí đặt loa…, nên tầng âm và trường âm cũng rất đa dạng. Cùng một bộ dàn với những thiết bị giống hệt nhau nhưng được bố trí ở 2 phòng khác nhau về kích thước, về vị trí đặt loa, về bố trí đồ đạc vv.. sẽ tạo ra trường âm và tầng âm rất khác nhau và hiệu quả, xúc cảm khi thưởng thức âm nhạc cũng khác nhau. Tất nhiên, hoàn hảo nhất là tầng âm phải giống như nguyên mẫu của bản ghi âm gốc. Tầng âm và trường âm được tái hiện tốt, bạn sẽ có cảm giác như được “chạm tay” vào người ca sĩ hay người nhạc công đang trình diễn.
MẬT ĐỘ HAY SỰ CHẶT CHẼ CỦA ÂM THANH
Mật độ còn được gọi là độ âm đặc, bạn hãy hình dung nó giống như 1 gram xốp và một gram chì. Cùng một trọng lượng nhưng mật độ vật chất của một gram cao hơn nhiều. Vậy “mật độ âm thanh” được cảm thấy như thế nào? Đó chính là sự chặt chẽ trong tiếng cello khi chơi ở phần trầm, ta cảm nhận được độ dính của archet và dòng chảy của sợi dây đàn, hoặc sự dày dặn đầy ắp tiếng hơi của dàn kèn đồng, tiếng va đập và cộng hưởng tưng bừng của bộ gõ và giọng hát tràn đầy sinh lực. Tất cả nhạc cụ đều thể hiện tính chặt chẽ trong âm thanh. Tính chất này ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc cung cấp nguồn điện cho hệ thống có đủ hay không và đáp tuyến tần số trung và trầm của các thiết bị có tác động rất lớn đến cảm giác chặt chẽ của âm thanh.Vậy ý nghĩa của mật độ và sự chặt chẽ trong âm thanh được tái tạo dùng là gì? Đó là việc nó làm cho giọng hát và nhạc cụ phát ra âm thanh trung thực, tiềm tàng nội lực và sống động hơn.
ĐỘ TRONG TRẺO
Nếu như bạn có đôi chút kinh nghiệm, bạn sẽ nhận ra rằng một số dàn máy có âm thanh trong như pha lê, nhưng cũng có dàn máy tiếng rất đục, âm thanh bí, không thoát Trong trẻo là một yếu tố rất quan trọng đối với âm thanh đẹp. Độ trong trẻo cao của dàn máy giúp ta nghe được những chi tiết âm thanh dù là rất nhỏ trong bản nhạc, sự trong trẻo còn giúp ta tạo ra âm thanh mềm mại và dịu êm, không gây mệt mỏi, thiếu độ trong, âm nhạc được tái tạo sẽ mang vẻ nặng nề, tù túng…làm ta nghe không thoải mái, dễ mệt mỏi. Độ trong của âm thanh phụ thuộc nhiều vào khả năng tái tạo dải tần số trung, trung cao và treble trong đáp tuyến tần số. Những thiết bị tác động mạnh nhất đến độ trong trẻo của âm thanh là loa, ampli và dây nối.
TÍNH SỐNG ĐỘNG
Sự sống động làm cho bạn cảm thấy nhạc không phải là thứ nhạc giả tạo mà có cảm giác như đang thưởng thức nhạc sống. Nó là một nhân tố rất quan trọng đối với nhạc tính của một dàn máy, sự sống động phụ thuộc nhiều vào chất lượng của từng thiết bị bộ dàn. Nhìn chung, các thiết bị có khả năng tạo ra âm thanh trong sáng, rõ ràng mạnh mẽ…thì sẽ tạo được tính sống động cao. Các bộ khuyếch đại có sử dụng mạch hồi tiếp âm sẽ làm ảnh hưởng tới sự sống động âm thanh, hồi tiếp âm càng nhiều độ sống động càng giảm. Chính vì vậy, nhiều hàng trên thế giới hiện nay thiết kế những ampli chất lượng cao thường không hoặc sử dụng rất ít hồi tiếp âm để nâng cao độ sống động và tính trung thực của âm nhạc.
ĐỘ ỔN ĐỊNH VỀ KHÔNG GIAN CỦA ÂM THANH
Độ ổn định về không gian là khả năng không bị thay đổi tầng âm, cũng như vị trí các nhạc cụ và giọng hát trong không gian khi có sự di chuyển vị trí ngồi nghe. Các bạn thường thấy nếu ta ngồi nghe ở vị trí trên trục chính giữa 2 loa thì có cảm giác âm thanh “nổi” nhất, ta sẽ có cảm giác âm nhạc phát ra không phải từ 2 chiếc loa mà từ “đâu đó” ở khoảng không gian giữa 2 loa. Nếu độ hội tụ và ổn định về không gian không tốt sẽ dẫn đến hình ảnh âm thanh bị phá vỡ. Ta sẽ cảm thấy các nhạc cụ và giọng hát bay lung tung khắp phòng, làm mất đi sự tập trung và chặt chẽ vốn có trong không gian. Một trong những nguyên nhân đầu tiên phá vỡ sự ổn định là do không kiểm soát được âm thanh trực tiếp phát ra từ loa và âm thanh phản xạ từ môi trường nghe (phòng nghe). Các thiết bị của bộ dàn, chất lượng loa, vị trí đặt loa, và đặc biệt là kết cầu phòng nghe nhạc ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định của âm thanh. Loa bố trí đúng, phòng nghe được xử lý tiêu âm tốt, hạn chế các sóng phản xạ là những nhân tố quyết định đến độ ổn định, độ nổi của âm thanh.
ĐỘ CHI TIẾT CỦA ÂM THANH
Thật dễ hiểu, ai đã từng sử dụng máy vi tính hay xem tivi đều sẽ hiểu độ phân giải là gì. Khả năng thể hiện từng chi tiết khác biệt của mỗi một thiết bị hình ảnh chính là độ nét hay độ phân giải của thiết bị đó.
Tương tự như vậy, khả năng tái hiện cho thấy sự khác biệt rất nhỏ trong âm thanh của từng nhạc cụ trong bản nhạc, dù chỉ là chút ít gọi là độ chi tiết của âm thanh.
TỐC ĐỘ VÀ ĐÁP ỨNG QUÁ ĐỘ NHẤT THỜI
Âm thanh thể hiện sự đáp ứng nhất thời tốt là khả năng tách biệt các nốt nhạc trước và sau một cách dứt khoát không bị “dính” vào nhau. Tốc độ và khả năng đáp ứng nhất thời của một bộ dàn thể hiện rất rõ ở khu vực tiếng trầm. Nếu không có tốc độ đáp ứng tốt, các tiếng pass sẽ bị nhòe vào nhau, tiếng trước chưa dứt thì tiếng sau đã đè lên, làm cho người nghe không phân biệt được từng tiếng pass một cách rõ ràng mà chỉ nghe thấy một khối âm thanh ầm ì, lẫn lộn. Nhân tố tác động mạnh nhất đến tốc độ và khả năng đáp ứng nhất thời của hệ thống chính là cặp loa. Một cặp loa tốt sẽ tách được các tiếng pass một cách rõ ràng, dù dòng tiếng pass có được chơi rất nhanh. Ngược lại, với những cặp loa subwoofer loại thông thường để xem phim đem ra để nghe nhạc, bạn sẽ dễ dàng thấy tiếng trầm từ subwoofer như chỉ có mỗi một nốt “ùm,ùm” và tiếng trước “trèo” lên tiếng sau.
ĐỘ TƯƠNG PHẢN VÀ TRẢI RỘNG ÂM THANH
Độ tương phản về âm lượng là sự so sánh giữa các mức âm lượng phát ra từ một bản nhạc. Chúng ta biết độ tương phản của một bản nhạc cổ điển là rất lớn, có nghĩa rằng mức chênh lệch giữa mức âm mạnh nhất ( Fortissimo) và yếu nhất ( Pianissimo) của cường độ âm thanh là rất đáng kể. Một bộ dàn có dải động tốt sẽ có khả năng tái tạo lại độ tương phản âm thanh một cách hoàn hảo. Ngược lại, nếu dải động hẹp, âm nhạc có vẻ như bị gò bó, không tự nhiên thoải mái.
TỶ LỆ GIỮA CÁC NHẠC CỤ VÀ GIỌNG HÁT
Độ lớn của từng nhạc cụ là bao nhiêu? Giọng hát nên ở mức nào? Điều này luôn là câu hỏi đối với dân nghiền hi-fi. Thật lý tưởng, nếu kích cỡ được thu nhỏ lại bằng tỷ lệ từ sàn diễn đến phòng nghe của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trên thực tế. Hãy lấy một ví dụ, khi một cây dàn piano song tấu cùng với một cây violin, kích cỡ của nó lớn gấp nhiều lần violin. Nếu như âm lượng của cây violin không được đẩy lên trong quá trình thu âm, cây violin sẽ bị chết chìm trong tiếng đàn piano.
Do vậy, khi thu âm, người ta sẽ phải điều chỉnh theo một vài tỷ lệ nhằm thu nhỏ kích cỡ của nhạc cụ và âm lượng của giọng hát sao cho phù hợp. Một bộ dàn có âm thanh tốt sẽ thể hiện được đúng những tỷ lệ này, có nghĩa là đem lại một sự hài hòa giữa nhạc cụ và giọng hát cho người nghe.
ĐẶC TÍNH CỦA THIẾT BỊ VÀ SỰ PHỐI HỢP
Mỗi thiết bị trong bộ dàn hi-fi cũng giống như một con người, đều có những cá tính riêng. Có thiết bị phát ra âm thanh sôi nổi, thân thiện, đam mê, lại có những thiết bị có âm thanh sang trọng, tươi sáng vv… Do đó có thể nói, sự phối hợp các thiết bị với nhau giống như một cuộc hôn nhân, chúng ta nên hết sức thận trọng nhằm đạt được những đặc tính mình mong muốn. Đôi khi cần phải phát huy hoặc giảm thiểu một vài đặc tính nào đó cho các thiết bị trở nên phù hợp với nhau. Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là không phải cứ chọn mua toàn thiết bị đắt tiền rồi ghép với nhau là được một bộ dàn hoàn hảo, mà bạn phải thực sự trải qua quá trình thí nghiệm phối hợp chúng với nhau một cách đúng đắn mới có thể tìm ra được kết quả tốt nhất.