Townhouse là mô hình trải nghiệm hi-end tiên tiến nhất của nước Mỹ, rất có thể sẽ là ngòi nổ để mở ra một xu hướng mới về không gian trải nghiệm hi-end tại nhiều quốc gia.
Những người yêu điện ảnh không thể không biết đến những bộ phim hành động như “Người hùng Barbarian”, “Tử thần vùng Texas”, “Thứ 6 ngày 13″… của đạo diễn Hollywood nổi tiếng Marcus Nispel. Đạo diễn người Mỹ gốc Đức này cũng là tác giả của hơn 1.000 phim quảng cáo của những thương hiệu hàng đầu thế giới như Mercedes, Audi, Coca-Cola, Pepsi, Levi’s, Canon, MTV, NBC, AT&T, Marlboro, L’Oréal…
Điều thú vị là McIntosh Groups đã chọn thuê ngôi nhà số 214 phố Lafayette tại New York của chính Marcus Nispel để làm trung tâm trải nghiệm hi-end cho các thương hiệu McIntosh, Sonus Faber, Audio Research, Sumiko, Wadia và Pryma, được đặt tên là Townhouse.
Trong chuyến công tác vừa qua tại New York, chúng tôi đã được đích thân Giám đốc Kinh doanh khu vực Châu Á, Thái Bình Dương của McIntosh Group, ông Jean-Philippe Fontaine dẫn tới Townhouse để dự một buổi trải nghiệm đặc biệt. Từ khách sạn Sheraton, chúng tôi đi bộ qua vài con phố, nơi có con đường Broadway nổi tiếng vắt ngang, mất chừng 15 phút là tới Lafayette. Phần lớn nhà cửa ở khu này có kiến trúc cổ điển, mang nhiều nét kiến trúc châu Âu, mà đặc trưng là Anh và Pháp.
Căn nhà gạch số 214 Lafayette nom bên ngoài không có vẻ gì đặc biệt, ngoại trừ bức pop-art được vẽ thẳng lên cánh cổng chính. Nhìn từ bên ngoài, Townhouse cũng giống như những căn nhà gạch cổ khác trên cùng dãy phố. Nó được xây cất từ cuối những năm 1890, được trùng tu vào năm 1920, năm 1975 được dùng làm kho chứa hàng, vào những năm 80 Soho trở thành tụ điểm nghệ thuật nên căn nhà được dùng làm gallery nghệ thuật, tới năm 1996 nó được bán cho đạo diễn Marcus Nispel và hiện trở thành một trong những không gian nghệ thuật mang tính cách mạng của New York sau khi được McIntosh Group thuê lại.
Townhouse là một trong những chuỗi WOM – World Of McIntosh (Thế giới của McIntosh). Đây là địa điểm để trải nghiệm một lối sống mới – cao cấp với sự phục vụ của các thiết bị hi-end audio, được bài trí không thể hài hòa hơn trong những không gian đặc thù của 5 tầng lầu. Âm nhạc với sự hỗ trợ của các thương hiệu thuộc tập đoàn McIntosh, nội thất lấy nền tảng từ điện ảnh và những chi tiết khơi gợi đến thời kỳ công nghiệp và một New York của đầu thế kỷ 20. Tất cả, tạo nên một thế giới rất riêng mà ở đó, quá khứ, hiện tại và cả tương lai hòa quyện với nhau như một ly cocktail đa hương vị.
Khi bước chân vào Townhouse và khép cánh cửa lại phía sau, đồng nghĩa với việc những ồn ào náo nhiệt của khu Manhattan cũng đóng lại sau lưng chúng tôi, mở ra một thế giới có thể nói là “trong mơ”. Những bức tường gạch trần, đường ống bằng đồng được bảo vệ bởi lớp kính trong suốt, những bậc cầu thang bằng gỗ sồi và trần nhà cao vút với mái vòm cong cùng hàng cửa sổ khổng lồ như thả bạn vào thế giới cổ điển của Sherlock Holmes, của Oliver Twist.
Thế nhưng những chiếc đèn hắt, đèn rọi, những đạo cụ của Hollywood và cả những tấm bích chương quảng cáo phim kinh điển lại kéo chúng tôi trở lại nước Mỹ những năm 20, 30. Một nước Mỹ vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng phố Wall và hừng hừng bước vào giai đoạn tích lũy tư bản trước thềm thế chiến 2, chuẩn bị cho những bước tiến dài trong thế kỷ 20. Kiến trúc cũng như lối bài trí trong Townhouse luôn hướng khách tham quan từ hiện thực này qua hiện thực khác, như những cảnh phim sống động, hoàn toàn phù hợp với phong cách của chủ nhân căn nhà – một đạo diễn Hollywood tiếng tăm.
Và sự xuất hiện với liều lượng vừa đủ của những món đồ hi-end audio được đặt ở những vị trí đắc địa đã tạo nên điểm nhấn cốt lõi cho căn nhà. Ở đây, tuyệt nhiên không có sự xuất hiện ngồn ngộn loa liền loa, máy liền máy như những showroom hi-end thông thường. Thay vào đó, mỗi không gian đặc thù như phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng xem phim, tiền phòng, bể bơi… McIntosh Group lại có cách bổ khuyết hệ thống một cách khéo léo. Sự sắp xếp này vừa tôn trọng vẻ đẹp tân-cổ điển của ngôi nhà, vừa tôn được những đường nét thiết kế độc đáo trong mỗi chiếc ampli của McIntosh, Audio Research hay những cặp loa đẹp mê hồn của Sonus Faber.
Điều thú vị là ngay tại tầng lửng của căn nhà là một chiếc bể bơi chạy hết chiều dài căn phòng. Nó vừa toát lên vẻ đẹp quý phái, xa hoa, vừa như ngầm khoe tài năng của vị kiến trúc sư tài ba có thể đặt một công trình công cộng như bể bơi vào bất kỳ chỗ nào trong tòa nhà này. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi cũng không khỏi thán phục khi tòa nhà 5 tầng với diện tích mặt bằng mỗi lầu xấp xỉ 200 mét vuông, nhưng tuyệt không nhìn thấy một chiếc cột nào. Gạch, gỗ, thép và kính là những nguyên liệu chính, thô ráp, nhưng lại tạo nên một tổng thể không thể tinh tế hơn.
Việc McIntosh lựa chọn căn nhà để làm trung tâm trải nghiệm hi-end và tổ chức sự kiện cho giới nghệ sỹ tại nước Mỹ là hoàn toàn có căn cứ: Townhouse có lịch sử lâu đời. Townhouse có kiến trúc độc đáo. Townhouse được sở hữu bởi một đạo diễn tên tuổi. Townhouse nằm ngay trung tâm Manhattan. Townhouse là xu hướng!
XU HƯỚNG chính là thông điệp về quan điểmsâu sắc nhất mà McIntosh Group muốn gửi gắm tại căn nhà số 214 đường Lafayette.
Tại Townhouse, người ta sẵn sàng bỏ ra 25.000 USD để được làm chủ những không gian sống đáng mơ ước dù chỉ là một ngày, để được tiếp đón thượng khách, để được dùng một bữa trưa và cùng thống nhất những điều khoản cuối cùng trong một hợp đồng tiền triệu. Townhouse là một phong cách sống, là “lối thoát” giữa một đô thị bận rộn và khắc nghiệt số 1 thế giới như New York với không gian hưởng thụ cá nhân thấm đẫm màu sắc của nghệ thuật hội họa, kiến trúc và cả hi-end.
Một khi, những thiết bị hi-end được đưa vào không gian sống như thế này, nó sẽ được nâng lên tầm nghệ thuật và cống hiến tối đa với vai trò nâng cao chất lượng, và trải nghiệm sống cho chủ nhân. Và như vậy, các thiết bị hi-end đã hoàn thành gần như trọn vẹn sứ mệnh!
Những hình ảnh về không gian trải nghiệm và
một số thiết bị hi-end tại Townhouse, Manhattan, New York
Huy Anh