Nửa thế kỷ là một chặng đường không hề ngắn đối với công nghệ nói chung và các thiết bị âm thanh nói riêng. Mới chỉ vài chục năm trước thôi, chúng ta còn thấy những cặp loa cho cảm giác rất thô sơ, chỉ có 2 kênh trái/phải và 2 đến 3 driver thì bây giờ, xu hướng đã chuyển sang những hệ thống âm thanh tại gia cực “khủng”, kết hợp từ nhiều loa vệ tinh riêng biệt với đầy đủ kích thước và nhiệm vụ khác nhau, đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng.
Cũng trong khoảng thời gian này, đã có không ít bộ loa được đánh giá là mang lại bước tiến vượt bậc, là “tấm gương” để các nhà sản xuất khác học theo và dần nâng cao thêm chất lượng trung bình của các dòng sản phẩm sau này. Dưới đây là danh sách 10 mẫu mà chúng tôi đề cử:
1. Acoustic Research Original AR-1 tới AR-7 (năm sản xuất: 1954 – 1973)
Trong vòng 19 năm tồn tại, các model của dòng loa AR nguyên bản đều mang trên mình những đặc điểm chung về thiết kế, phương thức sản xuất, quảng bá, phát minh vượt trội và dẫn đầu cả ngành công nghiệp âm thanh. Nhìn chung thì chúng được chia thành những dòng chính sau:
- AR-1, AR-1w, AR-1x
- AR-2, 2a, 2x, 2ax, New 2ax, 5
- AR-3
- AR-3a (được tách riêng khỏi AR-3 vì cả hai đều có những điểm cộng và thành công riêng)
- AR-4, 4x, 4xa, 6, 7
- AR-LST, AR-LST/2
Acoustic Research là công ty đầu tiên trên thế giới ra mắt hệ thống loa treo cách âm (acoustic-suspension) vừa giúp giảm kích cỡ thùng loa mà lại cho âm bass sâu, sạch sẽ, không bị méo. Chiếc loa AR-3 ra mắt năm 1958 cũng giữ thêm một danh hiệu “đầu tiên” nữa, do nó có 3 đường tiếng riêng, bao gồm cả 1 driver midranger và 1 tweeter.
“Huyền thoại” AR-3a ra mắt 10 năm sau đó thì được coi là bộ loa “tốt nhất” thời bấy giờ, và khi đạt đỉnh điểm thịnh vượng, nó đã chiếm tới 1/3 thị phần tại thị trường Hi-fi Bắc Mỹ. Hiện tại, một bộ loa AR-3 vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ.
2. Hai bộ loa Advent
Khi được Henry Kloss sinh ra, ban đầu những chiếc loa hiệu Advent chỉ được hướng tới như là một sản phẩm “lót đường” để gây vốn cho hệ thống máy chiếu màn hình lớn mà ông muốn đưa ra thị trường. Thế mà không lâu sau đó, dòng loa này đã trở thành một trong những thương hiệu loa thành công nhất trong thập kỉ 70 của thế kỉ trước.
Kloss hồi đó cũng chỉ ra mắt đúng 2 model loa Advent, gọi đơn giản là Advent Loudspeaker và Advent Loudspeaker “nhỏ hơn”. Cả hai đều dùng driver cỡ 10 inch do chính công ty của Kloss phát triển và sản xuất, 2 đường tiếng và có thùng kín với khác biệt nằm ở kích cỡ: một chiếc thì đạt kích thước của các dòng loa bookshelf khác trên thị trường, còn một chiếc thì nhỏ hơn nhiều.
Cặp đôi Advent có chất lượng âm thanh vượt trội với dải bass tuyệt vời, còn mức giá thì lại rất hợp lý. Chính vì vậy mà chúng đã được coi là đầu tàu giúp thị trường âm thanh phát triển một cách chóng mặt vào những năm 1970, từ một thú vui của một nhóm nhỏ trở thành món đồ điện tử mà ai cũng muốn có.
3. Loa Bose Acoustimass AM-5
Chúng ta đang nói về những cặp loa có “tầm ảnh hưởng” lớn nhất chứ không phải là “chất lượng âm thanh tốt nhất”. Bộ loa Acoustimass AM-5 của Bose được đánh giá đúng như vậy. Nó đã góp phần lớn trong việc xác định được thị hiếu người dùng trong thiết kế của những bộ loa. Chính xác hơn thì Bose đã tạo ra được tiêu chuẩn về ngoại hình cho các sản phẩm mà khiến cho người dùng bắt đầu trở nên kén chọn hơn trong việc tìm cho mình một dàn loa ưng ý nhất về cả âm thanh lẫn hình thức.
Acoustimass AM-5 có 1 thùng subwoofer cỡ lớn và 4 cục loa vệ tinh có kích thước khá nhỏ. Đó chính là lý do khiến nó trở nên “lạ” hơn trong mắt người dùng khi mới ra mắt. Bên cạnh đó, AM-5 khiến nhiều người bắt đầu coi trọng hình thức hơn là chất lượng bên trong. Điều này đã đưa các hệ thống loa cổ điển vào “dĩ vãng”, còn doanh số của Acoustimass AM-5 thì cứ thế tăng vùn vụt.
Thực tế, ngày nay đa phần người tiêu dùng thích những bộ loa đẹp hơn âm thanh hay. Điều này chứng tỏ Bose có tầm nhìn vượt thời đại.
4. Bose 901
Lại một lần nữa, tiêu đề bài viết cần được nhắc lại: Chúng ta đang quan tâm tới “tầm ảnh hưởng” chứ không phải “chất lượng nhạc” – những chiếc loa có khả năng thay đổi cách nhìn của người dùng, phá vỡ những giá trị cũ để thay bằng những đặc điểm mới mẻ hơn. Bose một lần nữa có đột phá với dòng loa 901 nhờ những lời quảnh cáo “có cánh”.
Theo Bose, cặp loa 901 đặc sắc ở chỗ sử dụng thiết kế âm thanh 2 đường “trực tiếp” với 1 loa phía trước và “gián tiếp” (reflected sound – âm thanh phản xạ) với 8 loa phía sau, tức là 9 củ loa ở 1 bên (lý giải cho cái tên 901). Cách quảng cáo của Bose khá đặc sắc, khiến nhiều người nghĩ rằng các loại loa “trực tiếp” thông thường mà bạn đã từng thấy đều thua kém.
Bose luôn tỏ ra biết cách chiều thị hiếu người mua.
5. Loa KLH 6, 17 và 5
KLH 6 là một trong những bộ loa bán chạy nhất mọi thời đại. Cũng như các dòng loa AR nhắc tới ở trên, Henry Kloss luôn tập trung vào trải nghiệm âm thanh là trên hết. KLH 6 được đánh giá là phù hợp với mọi loại nhạc, và là đối thủ trực tiếp của AR-2 với 2 driver gồm woofer 10 inch và tweeter dạng nón cỡ 5/8 inch. KLH 17 thì cũng có 2 driver 10 inch nhưng kích thước thùng loa nhỏ gọn hơn, còn KLH 5 thì có tới 3 driver cỡ 12 inch và 2 driver nón riêng cho âm trung.
Bộ ba sản phẩm này đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công vang dội của KLH trong những năm 1960, cả về doanh số, doanh thu và danh tiếng trong thị trường âm thanh.
6. Loa Klipschorn
Những chiếc loa tích hợp kèn đã chiếm riêng cho chúng một phân khúc riêng nhờ độ hiệu quả rất cao, trong đó thì Klipschorn đã đóng vai tròn cực lớn. Đây là một trong những bộ loa hiếm hoi mà sau hơn 60 năm ra mắt mà vẫn còn được người ta săn đón và đặt hàng.
Klipschorn nổi bật nhờ các dải âm trầm và cao đều được hỗ trợ bởi hệ thống kèn giúp khuếch đại chất lượng âm thanh và độ chi tiết mà driver không phải hoạt động quá công suất (thường gây rè và méo tiếng). Thùng loa của Klipschorn cũng lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn lúc đó, nhưng đây là một trong những nguyên nhân giúp hiệu suất cao hơn. Hãy thử lấy loa Advent làm ví dụ. Để đạt được mức âm lượng 105dB, nó sẽ cần nguồn vào lên tới 100 watt, cao hơn hẳn mức tối đa trung bình 50 watts của các ampli thời đó, trong khi Klipschorn thì có thể dễ dàng đạt được mức âm lượng này mà cả driver lẫm amp đều vẫn hoạt động trong tầm kiểm soát ở mức dưới 50watt.
7. Loa JBL L100 Century
Bộ loa L100 Century của JBL có thể coi là cột mốc đánh dấu cho sự thay đổi trong xu hướng nghe nhạc của người dùng trẻ thời bấy giờ. Vào những năm 1970, giới trẻ không có TV, Internet, Facebook, Twitter hay Walkmans, mà họ chỉ có các bộ loa để giải trí và quan tâm.
L100 Century ra đời để đánh vào thị hiếu của lớp người dùng này với chất âm khác hẳn so với các thế hệ loa trước đó: ấn tượng hơn, hấp dẫn hơn với âm bass mạnh mẽ, bớt khô khan và dải mid – treb sống động. Nó có driver 12 inch, 3 đường tiếng, vẻ ngoài cũng thu hút y như chất âm của nó và cực kì phù hợp với các thể loại nhạc pop thời bấy giờ. JBL L100 Century được coi là chuẩn mực về chất lượng âm thanh lúc bấy giờ.
8. Bowers & Wilkins 800
Đây là thương hiệu Anh duy nhất được lọt vào danh sách, và phải tới những năm 1970 thì chúng mới bắt đầu gây ảnh hưởng lớn tới thị trường âm thanh Mỹ sau khoảng 10 năm dấn thân.
Những cặp loa từ xứ sở sương mù được ưa thích bởi chúng có chất âm pha trộn được cả hai xu hướng là “thị trường” và “chuyên nghiệp”, vừa ấn tượng, sống động mà cũng không quá cường điệu. B&W 800 series được coi là sự kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng driver tốt và vẻ ngoài tuyệt đẹp.
Những chiếc loa B&W 800 series chính là đại diện cho những gì mà hãng muốn thể hiện dưới cương vị một nhà sản xuất loa nghe nhạc với chất âm vừa trung tính, độ tái tạo chi tiết cao, âm bass sâu, kiểm soát tốt và âm treb rõ ràng, không hề sắc hay khô cứng. Cùng với chất âm đó là những bộ vỏ đẹp mắt, hiện đại và chất lượng cực cao.
Nhờ có dòng loa 800 của B&W mà nhiều dân chơi nhạc thời bấy giờ còn hài hước cho rằng các nhà sản xuất Anh Quốc đã đánh bại các đối thủ Mỹ ngay trên chính sân nhà của họ.
9. Loa Magnepan Magneplanar
Tất cả những cái tên khác được nhắc tới trong danh sách này đều có một điểm chung: Chúng đều dùng những củ loa dynamic truyền thống, đã phục vụ con người từ hơn 1 thế kỉ nay và sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa trong tương lai, không chỉ ở những dàn loa chuyên nghiệp mà còn ở trong điện thoại, TV, tai nghe… bất kì vật dụng gì cần phát ra tín hiệu âm thanh.
Với một số người thì đây lại không phải là phương pháp tạo âm thanh lý tưởng, bởi các màng loa sẽ không thể phản ứng kịp thời để tái tạo lại tính tức thì và uyển chuyển của âm nhạc thực sự. Đó chính là lý do mà loa tĩnh điện ra đời, và đại diện là Magnepan Magneplanar các mẫu loa mành tĩnh điện (cần cắm điện) và loa mành từ tính (không cần cắm điện) ra đời. Trong đó, Magnepan Magneplanar là một ví dụ tiêu biểu cho loại loa mành từ tính.
Từ những năm 1970, đã có rất nhiều thế hệ loa Magneplanar ra đời nhưng đều mang chung đặc điểm ngoại hình là cao tới hơn 1,8 mét và rộng 60cm, và thân loa dạng tấm phẳng.
Loa tĩnh điện mành từ tính có ưu thế về âm thanh chân thực, song cũng tồn tại không ít điểm yếu, mà điển hình là cần ampli phù hợp về công suất (không thừa không thiếu), và phòng nghe cũng phải đạt đủ yêu cầu cần thiết để hạn chế vang phản xạ.
10. Loa Thiel 3.6
Không phải dòng sản phẩm âm thanh cao cấp nào cũng được đánh giá cao bởi các chuyên gia, mà trong đó thì cũng không phải mẫu loa nào cũng đạt được thành công lớn về mặt kinh doanh trong một khoảng thời gian dài, ngoại trừ dòng loa Thiel 3.x.
Chính xác hơn thì Thiel 3.x được người ta ưa chuộng trong suốt 20 năm trời tồn tại trên thị trường. Nó được coi là thế hệ loa tốt nhất trong tầm giá, và ví dụ điển hình chính là model Thiel 3.6 ra mắt năm 1993. Thiel 3.6 sử dụng củ loa “cây nhà lá vườn” , thùng loa dày, khung chắc chắn, bộ chia tần hạng nhất và chất liệu gỗ tuyệt đẹp, khiến nó trở thành tiêu chuẩn cho bất cứ dàn loa hạng sang nào khác phải noi theo.
Những điều tuyệt vời đó lại chỉ tiêu tốn của khách hàng 4.000 USD một cặp, quá tốt so với những gì mà Thiel 3.6 mang lại. Rất nhiều người mê âm thanh đã coi Thiel 3.6 như một cánh cổng rộng mở, giúp họ đạt được ước mơ tiến từ những bộ loa thông dụng lên hẳn thế giới của thứ âm thanh cao cấp mà họ mong muốn từ lâu.