Vào đầu năm, Marantz ra mắt hai sản phẩm mới gồm đầu đọc SACD chất lượng tham chiếu và amplifier tích hợp. với nhiều công nghệ mới gồm đầu đọc SACD/DAC SA-10 (6999$) và amplifier tích hợp PM-10 (7999$).
Đầu đọc SA-10 là sự kết hợp của thiết bị đọc đĩa hi-end với thiết kế DAC tiên tiến sử dụng kỹ thuật “Xử lý hai lớp thông tin”: MMM-Conversion và MMM-Stream. Ampli tích hợp analog PM-10 cho công suất lên đến 400 watt/kênh, với một kênh xử lý tín hiệu phono cho cả kim MM và MC. Được Marantz gọi là The New Reference (Chuẩn tham chiếu mới), sự tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật cũng như khả năng trình diễn của SA-10 và PM-10 hứa hẹn sẽđưa cặp đôi sản phẩm này lên vị trí đứng đầu trong phân khúc.
Đầu đọc Marantz SA-10
Chiếc đầu đọc kiêm DAC của Marantz sẽ xuất hiện trên thị trường SA-10 là sản phẩm thay thế cho SA-7, phiên bản máy đọc đĩa chuẩn tham chiếu trước đây của Marantz. Mặc dù giành được nhiều khen ngợi, nhưng SA-7 chỉ là thiết bị đọc đĩa đơn thuần. Đối mặt với sự thay đổi trong lĩnh vực âm thanh cũng như sự phát triển mạnh của âm thanh chất lượng cao và xu hướng lưu nhạc trong máy tính, sự thay thế là không thể tránh khỏi.
Ngoài khả năng có thể đọc và xử lý tốt các loại đĩa CD, SACD và cả file âm thanh chất lượng cao xuất từ các đầu thu media, SA-10 kiêm thêm vai trò là bộ chuyển tín hiệu analog-số (DAC) tiên tiến. Thiết bị này sử dụng công nghệ độc đáo để xuất ra đủ sắc thái của tập tin nhạc số với sự phối hợp giữa quá trình nghe thử của các audiophile và một số cách thức đổi mới được phát triển riêng biệt cho sản phẩm flagship này.
Công nghệ kỹ thuật số hiện nay đã đạt được bước tiến mới trong việc thay thế kỹ thuật chuyển đổi analog-digital truyền thống, biến SA-10 trở thành thiết bị đầu tiên là USB-DAC/máy chơi nhạc nhưng lại không thật sự có DAC. Nguyên nhân của điều kỳ lạ này nằm ở kỹ thuật có tên Marantz Musical Mastering, một giải pháp hoàn toàn mới cho một vấn đề tồn tại xuyên suốt 35 năm qua. Nhờ công nghệ xử lý dữ liệu 2 lớp MMM-Conversion và MMM-Stream, SA-10 có âm thanh đậm chất analogue như âm thanh thời kỳ mới xuất hiện CD, nhưng về các chỉ số kỹ thuật đều tương ứng với các chuẩn SACD và DSD sau này.
Với SA-10, quá trình chuyển đổi tín hiệu số sang tín hiệu tương tự (analog) thay vì phải hạ một tập tin có độ phân giải cực lớn xuống nhằm thích hợp với một bộ chuyển đổi số-analog truyền thống, SA-10 tự động chuyển hết mọi dữ liệu sang chuẩn DSD 256 với phương thức được biết đến qua tên gọi Marantz Musical Mastering-Conversion. Quá trình này sử dụng hai master clocks độc lập nhằm đảm bảo mọi tín hiệu số đều được nâng lên thẳng chuẩn DSD-256, có chất lượng cao gấp bốn lần chuẩn SACD mà không cần quy đổi tỷ lệ mẫu.
SA-10 cũng thêm một lựa chọn với 2 thiết lập bộ lọc nhằm cho phép nguời nghe điều chỉnh âm thanh theo ý mình. Tại sao phải làm bước này? Marant Musical Mastering-Stream sẽ là công cụ sắp xếp các tín hiệu DSD 256 đưa ra cổng output analog đến amplifier. Sau khi dữ liệu được xử lý qua quá trình MMM-Conversion, chúng ta có được một luồng tín hiệu analog với tần số cực cao trong từng xung nhịp. Sau khi kết thúc quá trình chuyển dổi, luồng tín hiệu này cần đi qua bộ lọc hạ âm chất lượng cao nhằm cho ra phần âm thanh analog tinh khiết nhất. Đây chính là lý do vì sao nhà sản xuất Marantz bảo rằng SA-10 là thiết bị chơi nhạc/chuyển đổi USB đầu tiên không có DAC-vì nó(tức DAC) không cần thiết.
Marantz đảm bảo vẫn giữ thiết kế mang tính hoài cổ bằng cách sử dụng kết nối cổng USB không đồng bộ dạng B để kết nối SA-10 với máy tính. Để đọc đĩa SACD, CD, DVD-R/RW và CD-R/RW, đội ngũ thiết kế của Marantz đã tránh sử dụng những thiết kế có sẵn, thường bắt gặp ở các đầu đọc đĩa máy tính. Thay vào đó, họ tự thiết kế một hệ thống riêng: SACD-M3. Đây chính là điểm độc dáo ở SA-10 khi hệ thống mới nhất này không những chơi được CD, SACD mà còn có thể xử lý được các tập tin âm thanh chất lượng cao lưu trữ trên CD hoặc DVD.
Ampli tích hợp Marantz PM-10
Trong khi đó, amplifier PM-10, sẽ trở thành bộ ampli tích hợp hiện đại nhất từ Marantz. Ý đồ của Marantz là muốn đem đến khả năng trình diễn tốt hơn từ một chiếc ampli tích hợp sau thành công của bộ đôi pre/power ampli SC-7/MA-9. Để có thể làm được điều này, Marantz đã xử lý cân bằng tuyệt đối trong từng kênh tín hiệu thông qua thiết kế dual-mono và khuếch đại độc lập. SA-10 có thể cho công suất lên đến 2 x 400 watt trong khi vẫn giữ được thiết kế Analog thuần nhất. Ngay cả những người yêu thích đĩa than cũng được Marantz dành sự quan tâm bộ sản phẩm The New Reference, thông qua sự chau chuốt trong thiết kế của tầng phono-stage riêng biệt với 2 chế độ MM và MC.
Còn nhớ Marantz đã khởi đầu sự nghiệp của họ với vai trò nhà sản xuất ampli với những sản phẩm lừng danh từ những năm1950. Trong suốt quãng thời gian đó, hãng sản xuất những sản phẩm mang tính kinh điển, từ Model 7/8 Preamp/power amp cho đến gã khổng lồ Project T1 (ampli đèn) vào những năm 1990.
Gần 70 năm sau, PM-10 ra đời với mục đích kết hợp giữa Preamplifier và một cặp Monoblock Power Amp trong một sản phẩm, sử dụng bộ chuyển đổi năng lượng khuếch đại giúp tạo ra nguồn công suất cực lớn – 200 watt/kênh cho 8ohm, 400 watt/kênh cho 4ohm. Điều này khiến PM-10 đảm bảo khả năng phối hợp được với nhiều loại loa ngoài khác nhau, nhanh chóng cấp nguồn năng lượng cao để mang đến độ tương phản động (dynamic) trong những bản nhạc nhạc phức tạp nhất.
Trong quá trình cấp điện, PM-10 chia đều nguồn ra cho preamplifier và từng kênh power apmlifier riêng, tín hiệu đi qua preamp sẽ không bị ảnh hưởng bởi tầng công suất. Phần vi xử lý điều chỉnh âm lượng và các thành phần thiết bị khác trong PM-10 cũng được nhận nguồn cấp điện riêng biệt. PM-10 được thiết kế đối xứng tuyệt đối từ các phần đầu vào xuyên suốt đến phần khuếch đại âm cuối cùng.
Phần Preamp sử dụng Hyper-Dynamic Amplifier Modules (hay HDAMs), công nghệ nổi tiếng của Marantz. Công nghệ này tạo ra từng bộ khuếch đại cỡ nhỏ, sản xuất từ nhiều thành phần riêng biệt nhằm khuếch đại âm thanh tốt nhất so với các mẫu thiết kế sử dụng “chip-amps” từ đối thủ. Để đạt sự thuần khiết nhất trong thiết kế, PM-10 cho phép lựa chọn chế độ “Purest Mode”: khi khởi động, nó khử kích hoạt tất cả mạch không cần thiết, tạo ra một đường dẫn tín hiệu thuần khiết nhất xuyên suốt ampli.
PM-10 còn sở hữu mạch Power Amp Direct Input, đưa tín hiệu đi thẳng từ đầu vào đến tầng power giúp nó hoạt động như một power amplifier thuần. Giống như SA-10, PM-10 được cấu tạo theo những tiêu chuẩn cao cấp nhất, với khung gầm mạ đồng hai lớp đạt độ chống nhiễu cơ học lẫn điện từ cao. Phần khung bọc ngoài cấu tạo từ các tấm nhôm dày, nặng, không nhiễm từ. Cả hai sản phẩm đều được đặt trên các chân đế nhôm được đúc khuôn riêng.
Có thể thấy, dòng sản phẩm mới được tập hợp từ tất cả những kiến thức, thiết kế và phát triển của đội ngũ kỹ sư Marantz trong suốt 70 năm qua. Trên hết, dòng sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với các tôn chỉ đã giúp hãng Marantz phát triển dưới khẩu hiệu: “Because music matter”!
Hồng Anh