ĐÁNH GIÁ CHUNG
Tuy không được đánh giá cao ở thiết kế ngoại hình hay sự tinh tế trong hoàn thiện nhưng thực sự người nghe sẽ cảm thấy hài lòng bởi những giá trị âm thanh mà nó mang lại sẽ khiến người ta dễ quên đi vẻ ngoài kém ấn tượng của nó.
ƯU ĐIỂM
Công suất mạnh mẽ, lực đánh tốt.
Đảm bảo được tốc độ, độ động, không thua kém so với ampli bán dẫn.
Âm thanh đẹp, dễ nghe và giàu cảm xúc.
NHƯỢC ĐIỂM
Thiết kế ngoại hình không ấn tượng, hoàn thiện thiếu đi một chút tinh tế.
ĐIỂM
8/10 điểm
Độc giả hãy cùng Stereo khám phá sự kết hợp của bộ đôi ampli đèn đến từ thương hiệu Conrad Johnson với Preampli đầu bảng GAT và cặp Monoblock mạnh mẽ LP260.
Conrad Johnson GAT là chiếc Pre-ampli đèn đầu bảng của hãng, nó được xem là đại diện cho tất cả những tiến bộ mới nhất của hãng trong công nghệ chế tác preamp. GAT được Conrad Johnson tạo ra để tiếp nối và hoàn thiện hơn những thành công vang dội mà “người tiền nhiệm” nổi tiếng của nó là Preamp ART đã làm được suốt một thập kỉ. Chỉ có 250 chiếc được sản xuất cho phiên bản giới hạn đặc biệt này và tất nhiên chúng được đánh số thứ tự riêng cho từng chiếc.
GAT vẫn được chế tác theo phong cách nổi tiếng của Conrad Johnson đó là đơn giản và tiện dụng. Máy được trang bị tính năng lựa chọn đầu vào và điều chỉnh cường độ bằng một rờ-le xử lý vi kiểm soát cho phép người dùng có thể điều chỉnh âm lượng lên tới 100 bước, với độ chia 0,7dB cho mỗi bước. Máy cũng được trang bị điều khiển từ xa để nâng cao sự thuận tiện trong quá trình sử dụng.
Trong khi đó, cặp monoblock LP260 là ampli khuếch đại mạnh mẽ thứ nhì của hãng, chỉ đứng sau power-amp đầu bảng ART. Đây cũng là một trong những ampli khuếch đại sử dụng bóng đèn điện tử mạnh mẽ nhất hiện nay với công suất lên tới 270W (4Ohm), được thiết kế để đủ sức đánh và kiểm soát hiệu quả những cặp loa lớn và khó tính. LP260 được trang bị 1 bóng M8080, 1 bóng 6N30P và 8 bóng KT120 cho mỗi khối giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và nội lực ổn qua các trường đoạn khó của bản nhạc.
Đánh giá về thiết kế, nhìn chung cả preamp GAT và poweramp LP260 đều mang phong cách thiết kế đặc trưng thường thấy trên các ampli của Conrad Johnson, đó là hết sức đơn giản, thậm chí đơn giản tới mức tạo cho người nhìn có cảm giác sơ sài. Là một sản phẩm đầu bảng, GAT có vẻ được nhà sản xuất chăm chút kĩ hơn ở mặt trước, cụm hiển thị, phím điều chỉnh và đặc biệt là phần bóng đèn được đặt ở hai góc, tuy nhiên mức độ hoàn thiện và tinh tế vẫn chưa cao. Cả hai sản phẩm đều được thiết kế theo kiểu mạnh mẽ, chắc chắn với một khối vuông vức bằng kim loại được phủ sơn tối màu, mặt trước là kim loại màu đồng thau. Quan sát kĩ hơn về các chi tiết như chân bóng đèn, nút bấm hay tụ đều có thể nhận ra chúng đều được lắp ráp bố trí cẩn thận, chắc chắn nhưng tất cả đều chưa được chăm chút thật tỉ mỉ để máy có thể trở nên hoàn thiện hơn về mặt thẩm mĩ.
Để thử sức bộ phối ghép này, chúng tôi đã chọn một phương án tương đối khó đó là cặp loa cột lớn Magico S5, đây là một cặp loa cột cao cấp khá khó đánh và luôn cần một đối tác đủ đẳng cấp để khai thác được nó. Nguồn phát được chúng tôi sử dụng là nguồn CD phát qua bộ Rossini Player và Clock của dCS.
Điểm đầu tiên mà bộ pre-pow của Conrad Johnson tạo được ấn tượng có lẽ là lực đánh. Magico S5 là loa cột lớn với 2 bass 10 inch cần một công suất thực sự mạnh mẽ để giúp đẩy được tiếng của cặp loa thoát tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên với 8 bóng khuếch đại KT120 cùng công suất 270W cho mỗi bên thì Magico S5 hoàn toàn không phải vấn đề quá lớn với cặp monoblock này. Tiếng bass được bung tỏa tròn chỉnh, mạch lạc và cho cảm giác nghe tự nhiên, không bị gò bó, hụt hơi hay bí tiếng. Ngay cả khi chúng tôi thử “ép” với những bản giao hưởng “nặng” với giàn nhạc lớn cùng tiết tấu nhanh, với những quãng cao trào, những quảng “deep bass” thì ampli vẫn kiểm soát cặp loa ổn định khi dải trầm vẫn được đẩy xuống rất sâu một cách khoan thai, không bị vỡ tiếng hay ù rền. Ở những trường đoạn có tiết tấu nhanh, cần nhiều năng lượng, hệ thống không gặp phải vấn đề bị rối tiếng hay lấn dải lẫn nhau.
Điểm ấn tượng tiếp theo mà Conrad Johnson mang lại cho người nghe có lẽ là cảm xúc, một cảm xúc lạ lẫm nhưng đầy thú vị mà chỉ thấy khi nghe ghép với ampli này. Chúng tôi đã có nhiều dịp được nghe qua Magico S5 nhưng chưa có lần nào lại có cảm giác mùi mẫn và cảm xúc thú vị như vậy. Không phải bởi các lần khác Magico S5 được ghép không hay, mà làm cảm giác ở các phối ghép ấy là một Magico rất khác, mạnh mẽ, hùng tráng, sang trọng nhưng lại có chút gì đó lạnh lẽo vô tình, nói chung là ấn tượng nhưng lại không có cái gì đó gọi là “mùi”. Có lẽ vì âm thanh khi đó quá đẳng cấp mà làm người ta mất đi một chút rung động cảm xúc? Âm thanh của Magico S5 được tái hiện bởi Conrad Johnson không hoàn hảo và chính xác như khi đó, nhưng nó lại đem lại một cảm xúc nghe thực sự đặc biệt. Chúng tôi nghe từ hòa tấu không lời qua đến Vocal có lời cả “Tây” lẫn Việt, âm nhạc được phát ra từ đây cho cảm giác rất đẹp, tự nhiên, mộc mạc nhưng có gì đó nịnh nọt dụ dỗ mùi mẫn, dễ nghe và giàu sức quyến rũ.
Về âm hình, nó không thực sự ấn tượng như khi Magico được ghép với các hệ thống bán dẫn khác. Bộ pre-pow của Conrad Johnson vẫn giúp cặp loa lớn này tạo ra một sân khấu đủ rộng, có chiều sâu, mạch lạc trong vị trí, lớp lang của nhạc cụ và cho người nghe cảm nhận được khá rõ về vị trí của chúng nhưng chưa đến mức tái hiện một dàn nhạc hoành tráng trước mắt hay một sân khấu thực sự sống động gây choáng ngợp. Tất cả những gì phối ghép này làm được về âm hình là ở mức đủ, không dư giả, không đặc biệt.
Lê Việt Anh