ĐÁNH GIÁ CHUNG
REL 212 rõ ràng là một lựa chọn tốt nếu muốn tìm kiếm một loa subwoofer thực sự chất lượng cho mục đích nghe nhạc. Ngoài việc cải thiện dải trầm của hệ thống, nó còn giúp cho dải trung, cao cũng như âm thanh tổng thể tốt lên rất nhiều.
ƯU ĐIỂM
Âm bass tốt cả về lượng lẫn về chất.
Nâng cấp âm thanh tổng thể của hệ thống rất đáng kể.
Thiết kế, hoàn thiện cao cấp.
Cho phép cân chỉnh đa dạng.
NHƯỢC ĐIỂM
Kích thước khá lớn và nặng nề, dễ ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung của không gian.
Cần cân chỉnh chính xác để khai thác được tối đa giá trị cao của nó.
GIÁ THAM KHẢO
72,000,000 VNĐ
Thông số kỹ thuật
Công suất: 1.000Watt (RMS)
Loại khuếch đại: Next Gen III Class D
Củ loa chủ động: 300mm
Loa thụ động phía sau: 300mm
Loa thụ động hướng sàn: 300mm
Đáp ứng tần số thấp: 21Hz ở –6 dB
Kích thước (Rộng x Cao x Sâu): 43,7 x 81,3 x 50,8 (cm)
Trọng lượng: 55,34kg.
Màu: Đen piano.
ĐIỂM
9/10 điểm
Các loa siêu trầm của REL luôn được đánh giá rất cao cả ở thiết kế lẫn chất lượng âm thanh đem lại, đặc biệt là khi sử dụng chúng với mục đích cải thiện dải trầm trong nghe nhạc. REL 212SE là loa siêu trầm lớn nhất của hãng, sẽ giúp nâng cấp âm thanh của bộ dàn nghe nhạc rất hiệu quả.
Đánh giá về thiết kế, REL 212SE là loa siêu trầm khá lớn dạng đứng, sử dụng tới 4 củ loa có kích thước 300mm. 2 củ loa chủ động được đặt song song, hướng ra mặt trước cùng với 2 củ loa thụ động 1 được đặt hướng sàn, 1 hướng về phía sau. Các đường nét vẫn được REL Acoutics chăm chút rất cẩn thận, từ bảng điều kiển, chân đế, các núm vặn cho tới các cổng kết nối đều được thiết kế nghiêm túc và có trình độ hoàn thiện cao, thể hiện đúng chất của một subwoofer hi-end. Giống với các loa sub khác của REL, 212SE được trang bị một lớp vỏ đen tuyền bằng sơn mài bóng cao cấp. Theo quan sát của chúng tôi đây là lớp sơn mài có chất lượng tốt, rất bóng và khó xước. Tuy nhiên, lớp vỏ đen bóng này cũng có một nhược điểm là rất dễ bám bẩn, đặt biệt là vết vân tay.
Dù có thiết kế cao cấp và được chăm chút tốt cho từng đường nét nhưng do có kích thước khá lớn và kiểu dạng đứng nên tổng thể loa sub REL 212SE trông khá đồ sộ, thô kệch và nặng nề. Khi được ghép cùng những bộ dàn lớn, 212SE sẽ càng tôn lên vẻ uy nghi, hoành tráng của bộ dàn. Tuy nhiên, nếu bố trí vào những không gian vừa và nhỏ hoặc phối ghép cùng một hệ thống với các thiết bị nhỏ thì rất dễ phá vỡ không gian tổng thể, làm mất thẩm mỹ chung. Trừ khi hy sinh vị trí tối ưu và đẩy sub vào góc.
Phối ghép để trải nghiệm REL 212SE, chúng tôi sử dụng bộ dàn gồm Pre đèn LS100 và Pow bán dẫn KWI 150SE công suất 150W/ kênh của ModWright Instruments với nguồn phát sử dụng transport và DAC của hãng CEC, dây dẫn sử dụng của hãng Synergistic Research. Cặp loa chính trình diễn trong hệ thống này là Twenty Evo 1.2 của hãng Zingali, Ý. Về đấu nối, 212SE nhận tín hiệu trực tiếp từ cổng Neutrik, một đầu kết nối với cổng hi level input, đầu kia gồm 3 sợi đấu trực tiếp với cọc loa của ampli, 2 sợi màu đỏ/vàng đầu vào 2 cọc dương của hai kênh trái phải, 1 sợi đen đấu vào cọc âm bất kỳ.
Việc cân chỉnh được chúng tôi thực hiện cẩn thận qua các bước. Đầu tiên là lựa chọn vị trí tối ưu để đặt loa sub, giúp người nghe có thể khai thác được tốt nhất âm thanh của nó. Tiếp đến là chọn pha, thử với mức lệch pha lầm lượt là 0 độ và 180 độ, chúng tôi đã chọn 0 độ, vì ở pha này cho tiếng bass rõ nét hơn. Cuối cùng là việc cân chỉnh âm lượng và cắt tần. Chúng tôi đều thực hiện đẩy từ từ ở mức thấp đến cao cho cả hai cân chỉnh này và dừng lại ở ngưỡng sao cho tiếng bass của 212SE không lộ rõ ra, lấn lướt tiếng bass của cặp loa chính.
Trải nghiệm âm thanh, chúng tôi thử nghe với cặp loa chính khi không sử dụng sự hỗ trợ của loa sub. Zingali Twenty Evo 1.2 thể hiện tốt và đầy đủ các “hạng mục” âm thanh. Đặc biệt, dải trầm của cặp loa này đủ sâu, có lực và khá mạnh mẽ, các chi tiết âm thanh được thể hiện rõ nét và đầy đặn. Sau khi đã nghe kĩ với âm thanh của hệ thống không sử dụng loa subwoofer, chúng tôi bật sub đã cân chỉnh sẵn lên, và nghe lại những bản nhạc vừa thưởng thức trước đó. Trước hết là tiếng bass, điều mà hẳn ai cũng sẽ mong chờ và chú ý khi bổ sung thêm một loa sub vào bộ dàn. Âm bass không hề trội lên gây chú ý hay làm đậm hơn dải trầm của cặp loa chính mà nó thể hiện sự khác biệt ở những nốt siêu trầm, người nghe sẽ cảm nhận bass có chiều sâu hơn hẳn, rõ nét và mạch lạch hơn trong từng nốt. Một điểm khác biệt khác của tiếng bass mà hệ thống trước đó không có được đó là sự lan toả và hoà quyện của nó. Rõ ràng khi nghe với 212SE tiếng bass có sức lan toả tốt hơn, nó cũng nâng cao sự hoà quyền với các dải tần khác của hệ thống, đặc biệt là tiếng trung trầm. Ở trải nghiệm nghe trước đó, dù tiếng bass lực và sâu nhưng đôi khi nó vẫn thô cứng và rời rạc thiếu sức hấp dẫn.
Tuy nhiên, giá trị đem lại của REL 212SE cho hệ thống lại không phải chỉ nằm ở tiếng trầm. Đầu tiên, sân khấu stereo khi sử dụng thêm 212SE trở nên rộng mở hơn hẳn và có thêm chiều sâu. Âm hình được định hình rõ nét hơn hẳn, đặc biệt khi nghe các bản giao hưởng với dàn nhạc lớn, khác biệt về lớp lang là điều có thể nhận thấy rõ. Một điểm cải thiện đáng nói nữa, đó là không chỉ tác động lên dải trầm, mà REL 212SE còn giúp dải trung trở nên chi tiết, sắc nét và có sự gắn kết tốt hơn, nghe đượm hơn, hoàn toàn không còn cảm giác lạnh lẽo vô cảm. Tiếng treble cũng trở nên đẹp hơn đáng kể, dù vẫn giữ được độ chi tiết, lung linh và góc toả rộng, nhưng nó đã bớt hẳn đi cảm giác chói gắt ở những nót cao, trở nên tơi mịn dễ nghe hơn hẳn.
Lê Tiến Dũng